(Bài gốc trên FB group ở link này, tác giả copy về blog cá nhân để lưu trữ)
Ngày 09/12/2024.
===
Quan điểm của tôi đối với các truyền thuyết là phải biết lọc bỏ các yếu tố hoang đường huyễn hoặc để tìm ra các sự thực lịch sử có thể còn ẩn dấu trong (một số tình tiết của) truyền thuyết.
Nhưng nói thế vẫn chỉ là lý thuyết xuông mà thôi … Nên bây giờ tôi xin lấy một ví dụ cụ thể là truyện Sơn Tinh Thủy Tinh tức Truyện thần núi Tản viên Trong Lĩnh Nam Chích quái, ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho đây là chuyện quái đản.
Tôi sử dụng bản dịch của Đinh Gia Khánh-Nguyễn Ngọc San, copy trích lại từ trang https://thuviensach.vn/pdf/viewer.php?id=2ebd5c
Các đoạn là thần thánh hóa hoang đường thì tôi gạch ngang và cho chữ nghiêng, còn các thông tin có vẻ vô lý thì chỉ cho chữ nghiêng:
“… vua Hùng Vương thứ 18 đến ở đất Việt Trì, Châu Phong, lấy quốc hiệu là Văn Lang. Vua có người con gái tên là Mỵ Nương (cháu gái 27 đời của Thần Nông) có sắc đẹp; Thục Vương Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền. Mấy hôm sau, bỗng thấy hai người, một người xưng là Sơn Tinh, một người xưng là Thủy Tinh đến để cầu hôn
Hùng Vương truyền tỉ thí pháp thuật. Sơn Tinh chỉ núi, núi lở, ra vào trong đá không có gì trở ngại. Thủy Tinh lấy nước phun lên không biến thành mây mưa.
Vua nói “Hai vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho”. Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang ngọc quý, vàng bạc sơn cầm, dã thú… các lễ vật đến tiến, vua y cho. Thủy Tinh đến sau, không thấy Mỵ Nương, cả giận đem loài thủy tộc định đánh để cướp lại.
Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy Tinh bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh Vương. Dân ở chân núi thấy thế bèn cắm một hàng rào thưa để đón đỡ, đánh trống gõ cối, hò reo để cứu viện. Thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành thây ba ba thuồng luồng trôi tắc cả khu sông. Hàng năm vào khoảng tháng bảy tháng tám vẫn thường như vậy. Dân vùng chân núi hay bị gió to nước lớn, lúa má thiệt hại cả. Người đời tương truyền rằng đó là Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau lấy My Nương. Đại Vương được bí quyết trường sinh của thần tiên nên rất hiển linh, đó là vị đệ nhất phúc thần của nước Đại Việt vậy”
Sau khi lọc bỏ các yếu tố hoang đường vô lý thì chúng ta còn đoạn văn sau :
“… vua Hùng Vương thứ 18 đến ở đất Việt Trì, Châu Phong, lấy quốc hiệu là Văn Lang. Vua có người con gái tên là Mỵ Nương có sắc đẹp; Thục Vương Phán cầu hôn, nhà vua không bằng lòng, muốn chọn rể hiền. Mấy hôm sau, bỗng thấy hai người, một người xưng là Sơn, một người xưng là Thủy đến để cầu hôn …
Vua nói: “ …ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho”.
Sáng hôm sau, Sơn mang ngọc quý, vàng bạc sơn cầm, dã thú… các lễ vật đến tiến, vua y cho. Thủy đến sau, không thấy Mỵ Nương, cả giận … đánh để cướp lại.
Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn…. Dân ở chân núi thấy thế bèn cắm một hàng rào thưa để đón đỡ, đánh trống gõ cối, hò reo để cứu viện. Thấy rơm rác trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn… Hàng năm vào khoảng tháng bảy tháng tám vẫn thường như vậy. Dân vùng chân núi hay bị gió to nước lớn, lúa má thiệt hại cả…”
Không có gì đảm bảo là sau khi lọc các phần hoang đường thì phần còn lại đều đúng, nhưng chỉ cần có một vài thông tin trong đó đúng thì cũng có giá trị rồi… Tôi thấy đoạn quan trọng có yếu tố hiện thực nhất trong thông tin trên là “lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy (Tinh) bèn mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về trước núi Tản Viên, đi qua Cam Giá, Xa Lâu, Cổ Hào, Ma Sá ở khoảng ven sông đánh sụt thành cái vũng lớn”
===
Xin các nhà địa chất học và khảo cổ học cho ý kiến là có thể dùng phương pháp khoa học nào để xác định dải sông Tiểu Hoàng Giang và ngách sông Tiểu Tích Giang có dấu vết đào nhân tạo không ? hoặc xác định là dòng chảy hai sông đó đã hình thành do một sự kiện lụt lội ở thời đại nào đó ?
Theo tôi nghĩ phe “Thủy Tinh” không cần đào mới toàn bộ 2 sông đó, mà do thời xưa đồng bằng Bắc bộ còn thấp, phần lớn diện tích là ao hồ, chỉ cần thuận theo thế đất, đào phá một số đoạn gò hay vồng đất cao nối các vùng hồ đầm là có thể tạo một dòng chảy mới dẫn nước lụt được … không cần phải phép thuật thần tiên quỷ quái gì cả …
Mà cũng không chắc là hai sông đó được đào thời Hùng Vương, có thể rất muộn về sau mà người “bịa chuyện” gán vào thời Hùng Vương cho có vẻ thực tế. Nhưng dù thế nào thì những người làm khoa học vẫn nên xem xét điều đó một cách nghiêm túc, chứ nếu đơn giản phán là chuyện bịa đặt rồi phủi tay thì có thể coi là cách làm việc khoa học không ?
* Ghi chú thêm :
1. Khảo trên bản đồ Google thì Hoàng Giang là con sông chạy ngang thành Cổ Loa, gần đó cũng có địa danh Lý Nhân. Việc nhóm Thủy tinh mở (đào) nhánh sông tiểu Hoàng Giang ra sông Hát có thể chính là ra sông Hồng đoạn phía trên vùng Từ Liêm, lý do là vì dòng chảy chính của sông Hồng thời xưa là sông Hát, nên đoạn sông Hồng phía trên Từ liêm (nơi sông Hát nối vào sông Hồng) cho đến tận Bạch Hạc khi đó được tính là sông Hát (!), từ ngã ba Bạch Hạc có thể rẽ vào sông Đà để đánh vào phía sau núi Tản Viên như truyền thuyết viết được.
2. Kết hợp các thần tích về thần núi Tản Viên (tức Sơn Tinh, có thần tích ghi tên là Nguyễn Tuấn), không nói gì chuyện đánh nhau với Thủy Tinh mà chỉ ghi việc giúp vua Hùng đánh lại nhóm An Dương Vương Thục Phán, thì có khả năng nhóm Thủy Tinh chính là nhóm An Dương Vương, khi đó định cư ở vùng phía bắc sông Hồng, trung tâm là Cổ Loa, đối diện với Hà Nội ở bờ Nam sông Hồng.
3. Vùng Cổ Loa hình như không có dấu tích gì của nhóm Tày-Nùng cả, việc gán cho An Dương Vương là dân gốc Tày-Nùng cần xem xét lại, vì người Thục vốn ở vùng Thành Đô, là một nhóm phi Hán-Tạng, nhưng cũng không phải Tày-Nùng, dữ liệu di truyền ADN của dân “Hán” ở Thành Đô hiện nay có tỉ lệ haplogroup M88 khá cao, mà M88 là nhóm ADN đặc thù của người Kinh.
(Visited 5 times, 1 visits today)