“Chút ước” hay là “chút đích” ? (Về câu 76 ở Truyện Kiều)
Câu 76 của Truyện Kiều các bản quốc ngữ phổ thông hiện nay chọn theo dị bản “Thời chi chút ước gọi là duyên sau”, nhưng các bản Nôm cổ lại chép là “Thời chi chút đích gọi là duyên sau”, vậy đâu là nguyên tác của Nguyễn Du? Bài này sẽ thảo luận vấn đề đó.
Trước hết điểm lại chín bản Nôm và quốc ngữ cổ nhất mà cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dày công tập hợp thống kê. Theo Giáo sư Cẩn thì có 6 bản theo “chút đích” là các bản:
– Duy Minh Thị 1872
– Lâm Nọa Phu 1870
– Trương Vĩnh Ký 1875
– Quan Văn Đường 1897
– A.D.Michels 1884
– Kiều Oánh Mậu 1902
Chỉ có 3 bản theo “chút ước” là các bản:
– Liễu Văn Đường 1871
– Thịnh Mỹ Đường 1879
– Bản VNB Thái Bình 1860
Chúng tôi khi phiên chú bản Nôm Kiều Oánh Mậu (“Truyện Kiều chữ Nôm” Nhà xuất bản Thuận Hóa 2000) tuy đã phiên đúng theo Kiều Oánh Mậu là “chút đích” nhưng cũng phân vân muốn theo “chút ước” vì thấy dễ hiểu hơn. Chúng tôi có dẫn chú thích của Kiều Oánh Mậu rằng “đích” là tiếng Nghệ Tĩnh, nhưng tiếc là Kiều Oánh Mậu lại không nói rõ trong tiếng Nghệ “đích” nghĩa là gì. Nguyên chú của Kiều Oánh Mậu ở bên lề sách bằng chữ Nôm như sau “Chút đích Nghệ An nhân tục ngữ hoặc tác chút ước, phi! ” (Chút đích là tiếng tục ngữ của người Nghệ An, có bản ghi chút ước là sai).
Ảnh minh họa chụp lại chú thích của Kiều Oánh Mậu ở lề sách (trong khung màu đỏ):
Còn trong công trình phục nguyên bản sơ thảo Truyện Kiều của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn “THỬ TÌM HIỂU BẢN SƠ THẢO ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” (Nhà xuất bản Giáo Dục 2008), Giáo sư đã quyết định phục nguyên theo nhóm đa số ở trên, tức là “chút đích”, chứ không theo “chút ước” như các bản quốc ngữ phổ biến thời nay, phần chú thích Giáo sư chú rằng “ĐÍCH = chút xíu (TĐ tiếng Nghệ)”, rất giản dị và ngắn gọn chứ không thảo luận dài hơi như với nhiều trường hợp dị bản khác, tức là Giáo sư dứt khoát theo “chút đích”, không có hồ nghi gì cả.
Gần đây nhân có dịp phiên chú văn bản Hán Nôm “Thánh Tổ Bản Hạnh” ghi sự tích thiền sư Dương Không Lộ, chúng tôi có gặp một câu có từ cổ “đích” như sau:
Đích nay tài đức khả gia
Quan ư thiên hạ ắt là cũng nên.
Nội dung đoạn này kể chuyện vị sư Đại Điên hiện hình thành đứa trẻ mới ba tuổi đã đôn mẫn thông minh hơn người lại có pháp thuật, vua Lý Nhân Tông chưa có con trai nên muốn truyền ngôi cho đứa bé, nhưng triều thần can gián, bảo rằng nếu đứa bé có tài phép thì cứ thác sinh làm thái tử con vua luôn đi…
Chúng tôi xác định chữ đích ở bản Nôm trên là từ cổ chỉ đứa trẻ đó, và liên hệ với chữ “đích” trong câu 76 Truyện Kiều với nghĩa “chút ít”, “chút xíu”, ở đây dùng để gọi một đứa bé (ít tuổi, còn nhỏ xíu) xét ra cũng có nghĩa.
Chúng tôi lại đi xa hơn, mở cuốn từ điển Mường Việt (Nguyễn Văn Khang chủ biên, 2002), tra chữ đích thì thấy tiếng Mường hiện vẫn còn lưu giữ được từ “đét” nghĩa là bé nhỏ, ví dụ “đét con” là trẻ con, cùng với hàng loạt từ phái sinh cho thấy nó rất phổ thông trong tiếng Mường, xin chép hết ra đây:
*đét:bé. Tàn ủn đét ti pùng khác dỗng. Các em bé đi chỗ khác chơi. Đét nhãm. Trẻ con khóc.
*đét con: trẻ con. Yêu chi nhơ yêu đét con. Yêu gì như yêu trẻ con. (Yêu gì bằng yêu trẻ con).
*đét ẻl: trẻ ranh. Tàn đét ẻl, pay pổl càn cải chi? Bọn trẻ ranh, chúng bay nghịch ngợm gì hả?
*đét mởi té: trẻ sơ sinh. Ảo nì tí măc cho đét mởi té. Áo này dùng cho trẻ sơ sinh.
*đét nhó: trẻ thơ. Cho tàn đét nhó nì ăn tlước ti. Cho đám trẻ thơ này ăn trước đi.
*đét tlu: trẻ (chăn) trâu. Mẩy thàng đét tlu nì ngoan. Mấy đứa trẻ trâu này rất ngoan.
Dữ liệu ở tiếng Mường đã ủng hộ mạnh mẽ cho chú giải của Giáo sư Cẩn.
Chú ý rằng chữ đích 的 vốn có âm Nôm là “đít” là tiếng tục để gọi hậu môn (lỗ đít), nếu phiên sát âm Nôm thì câu 76 phải là “Thời chi chút đít…”, phải chăng chính do cái âm Nôm “hơi bị tục” này mà các bản truyện Kiều sau thời Nguyễn Du đã đổi “chút đít” ra “chút ước” cho văn vẻ mĩ miều hơn ?
Lại xét về ngữ âm lịch sử, trong tiếng Việt vốn có biến âm đ=>n như đác=>nước, đăm (Mường)=>năm, độc=>nọc, đau=>nau, đủ=>no (tiếng Mường đủ là đo), đây=>nầy/này, đỏn (Mường)=>nón(Việt) v.v. như vậy từ nít (con nít, trẻ nít) của miền Bắc có lẽ cũng gốc từ “đích”, “đít”, “đét” ở tiếng Nghệ và tiếng Mường mà ra… ngoài ra âm “đít” còn có thể chuyển hóa thành “dít” (như cây đa cũng nói cây da) rồi thành “nhít” trong biến thể “con nít”/”con nhít”.
Để kết thúc bài tản văn ngắn này xin chép lại bài hát Trống cơm
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ (ấy mấy) bông nên bông
Một đàn (tang tình là) con nít (ấy mấy) lội sông đi tìm…
—
HUẾ. 9/2019.
Bài gốc đăng ở Văn Hóa Nghệ An
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/chut-uoc-hay-la-chut-dich-ve-cau-76-o-truyen-kieu-2
CÁCH THÊM CÁC DẤU KÝ ÂM ĐẶC BIỆT VÀO VĂN BẢN WORD
Cả các dấu phiên âm quốc tế IPA Extensions và Phonetic Extensions cũng xếp ngay cạnh đó … nhưng không phải font chữ nào cũng có hết các ký tự Extended đâu, những chữ đưa ra mã ở trên là có ở các font phổ thông Arial và Times new roman, nên đảm bảo trao đổi trên mạng được…
Riêng chữ cái “b còng” đặc biệt mà A.D.Rhodes dùng trong tự điển Việt Bồ La thì có thể tạm dùng chữ b có gạch đầu ( ƀ ) mã hexa là 180.
TŎỤC
Sau khi gõ xong chữ O thì gõ tiếp 306 sau đó tô đen và nhấn ALT+x để có chữ O với dấu trăng , sau đó gõ tiếp các ký ký tự còn lại ỤC…Cách dùng tổ hợp phím Alt+x là TS Ngô Trung Việt chỉ cho tại hạ, hàng chục năm trước, xin cám ơn TS Việt