Đi tìm bài ca trù khắc trên Ngũ Hành Sơn
Tháng 10.2009, UNESCO đã chính thức công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ca trù là một môn nghệ thuật truyền thống độc đáo xuất hiện từ thế kỷ 15 và cho đến nay vẫn lưu truyền ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta.
Tháng 11.2004 Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm tổ chức tại Hà Nội có xuất hiện bản chụp của bài ca trù chữ Nôm khắc trên một văn bia bằng đá cẩm thạch Non Nước. Bản này lạ vì chưa hề được đưa vào các tuyển tập thơ ca trù từng được công bố. Do nội dung nhắc tới Hành Sơn và nhiều địa danh ở núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nên chúng tôi quyết định khảo cứu xuất xứ và sự tồn tại của văn bia có còn ở Đà Nẵng không.Tấm bia ở động Hoa Nghiêm Bảo tàng thành phố Đà Nẵng là địa chỉ đầu tiên được tìm đến, nhưng không có kết quả. Rất may sau đó, một cán bộ tại Bảo tàng này cho biết tấm bia nằm ở động Huyền Không, núi Ngũ Hành Sơn. Mất nhiều thời gian thăm hỏi người dân cũng như các hướng dẫn viên du lịch người làng Hòa Hải, cuối cùng hiện vật cũng đã được “phát lộ”, nhưng hóa ra nó lại ở động Hoa Nghiêm.
Tấm bia được đặt ở vị trí trong một hốc đá nhỏ – nơi mà cán bộ hướng dẫn viên du lịch và khách tham quan đốt nhang và vứt rác, nằm cách tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật độ chừng 4-5m. Bia là một phiến đá rời, có kích cỡ rộng 36 cm, dài 63 cm, dày 6 cm. Ở bên phải phía dưới bị vỡ một góc hình tam giác (26 cm của chiều rộng, 29 cm của chiều dài – xem ảnh), mất gần 14 chữ. Trong ảnh này thì tấm bia đã bị vỡ một góc, và đã được gắn lại, nhưng thật đáng tiếc hiện nay mẩu vỡ đó đã bị mất hẳn!
Toàn bộ văn bản gồm 132 chữ (cả chữ Hán và chữ Nôm), được khắc với lối chữ khải chân phương, rõ, đẹp, dễ đọc. Trên văn bản không ghi tiêu đề, ngày tháng, thậm chí tên tác giả cũng không rõ ràng, chỉ ghi hai chữ Tiểu Cao.
Nội dung của tấm bia này như sau:
Phiên âm:
Phong nguyệt tĩnh thành tân kết lữ
Hành Sơn xuân sắc cận hà như
Nhớ tuần tuyên lần lựa tám năm dư
Khi thong thả giang sơn từng hữu ước
Lối xe ngựa sau sau trước trước
Cảnh Bồng Lai nước nước non non
Thánh tích xưa đế tạo hãy còn
Này Vọng Hải, Vọng Giang đài chẳng khác
Này là hang Huyền Hạc
Này là động Thiên Long
Này là cửa Huyền Không
Này là chùa Chân Tạng
Lối Nguyệt Quật thiên căn lai vãng
Từng trải qua ba mươi sáu động tiên cung
Có khi chầu chực xe rồng
Dầm dề thánh vũ đượm nồng từ vân
Buồm hoạn hải gió lần thẳng cánh
Khách Thiên Thai ngùi nhớ cảnh Thiên Thai
Kỉ tu tái đáo Bồng Lai
Tiểu Cao
Tuy thể loại chung là ca trù, nhưng đây là một bài phá cách, khác nhiều với những bài ca trù kiểu mẫu như “Hồng Tuyết” của Dương Khuê hay các bài về “Chí nam nhi” của Nguyễn Công Trứ, có lẽ nó hay và lạ cũng nhờ vậy. Đây là một trong những bài ca trù tả cảnh hay, không thua kém mấy bài “Hương Sơn Phong Cảnh” của Chu Mạnh Trinh.
Truy tìm xuất xứ của văn bản này quả thật khó khăn. Trong các tài liệu như Danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn, Ngũ Hành Sơn, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Di tích Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam – Đà Nẵng xưa và nay… nhưng vẫn không thấy đề cập đến văn bia này. Ngay cả các vị cao tăng ở đây vẫn không rõ tác giả, niên đại, xuất xứ… Thế nhưng căn cứ vào cấu trúc chữ Nôm trong văn bản, chúng tôi đoán định văn bản này ra đời từ triều Nguyễn về sau. Căn cứ theo thể loại, đây là bài viết theo lối ca trù. Căn cứ vào nội dung, chúng tôi đoán định tác giả của bài này là một vị quan nào đấy, hầu cận gần nhà vua, thường đi nhiều nơi, và đã đôi lần đến viếng cảnh ở Ngũ Hành Sơn.
Sau nhiều bước khảo cứu thư tịch, cuối cùng chúng tôi cũng đã xác định được tác giả bài thơ: Tiểu Cao là tên tự của Nguyễn Văn Mại (1853 – ?) người xã Niêm Phò, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc 1 (1884); đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái 1 (1889) đời Nguyễn. Làm quan Tri phủ An Nhơn, Viên ngoại Cơ mật viện, Bố chính sứ Thanh Hoa.
Chúng tôi coi việc truy tìm xuất xứ và khảo cứu văn bản này như một đóng góp vào việc bảo tồn một di sản văn hóa phi vật thể, trong tổng thể di sản văn hóa chung của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Tiếc rằng đến nay tấm văn bia đã bị hủy hoại một phần và đang bị đối xử như một phiến đá vô giá trị, vứt chỏng chơ bên hố rác!
Tái bút:
Trước khi đăng lại bài này lên đây, chúng tôi rất mừng khi có thông tin đã tìm lại được mảnh vỡ của tấm bia.
Phan Anh Dũng – Huesoft
Nguyễn Hoàng Thân – ĐHSP Đà Nẵng
TUỒNG TRONG VĂN HỌC NAM HÀ
This paper was presented at A Conference on Nôm Studies, Temple University, April 11-12-2008
Phan Anh Dũng
Trung Tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên–Huế, Việt Nam
Hội nghị Nôm học
11-12 tháng 4 năm 2008
Trung tâm Triết học, Văn hoá & Xã hội Việt Nam
Đại học Temple
VỀ HƠN 4000 NĂM LỊCH SỬ VIỆT NAM
Tóm lược: Bài này đi từ các cứ liệu lịch sử cổ địa chất của vùng đồng bằng Bắc bộ, và suy luận với tư duy khoa học để loại bỏ các phần hoang đường trong các truyền thuyết, đi đến khẳng định Việt Nam đã có gần 5000 năm lịch sử chứ không phải chỉ hơn 4000 năm.
(Bài đã đăng tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, No 5(82),2010.)
I. Tìm hiểu về hiện tượng biển tiến Flanđri
Xin trích một số đoạn bài viết [1] của DOÃN ĐÌNH LÂM [1] về hiện tượng biển tiến Flanđri và có mô tả quá trình diễn biến khá cụ thể trên khu vực đồng bằng Bắc bộ:
“… Cuối Pleistocen[2] muộn, do đợt băng hà Wurm nên mực nước đại dương trên toàn cầu hạ thấp xuống. Tại thời điểm 18.000-20.000 năm BP mực nước đại dương đứng tại độ sâu -100, -120 m so với mực biển trung bình hiện tại.”
“… Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của một số công trình cho thấy vào đầu Holocen[3] sớm (10.000-8000 năm BP), biển tiến Flanđri đã bắt đầu tràn ngập đồng bằng sông Hồng. Tốc độ dâng của mực nước biển trong giai đoạn này là khá cao (9-12 mm/năm). Đợt biển tiến này đạt đỉnh cao tại thời điểm xấp xỉ 6000 năm BP và độ cao của mực nước biển đạt tới 3-4 m trên mực biển trung bình hiện tại. Sau thời điểm khoảng 6.000 năm BP, mực biển bắt đầu rút xuống theo nguyên tắc dao động con lắc đơn tắt dần.”
“… Trong phạm vi châu thổ sông Hồng, mực nước biển dâng cao cực đại vào khoảng trên dưới 6000 năm BP đã nhấn chìm hầu hết diện tích đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các tài liệu nghiên cứu ngấn nước biển tại các vùng đá vôi Hạ Long, Ninh Bình cho thấy tại thời điểm 5.000-6.000 năm BP, mực nước biển đứng tại 5-5,5 m trên 0 hải đồ (5-5.5 A.D). Như vậy trên phạm vi châu thổ sông Hồng, tại thời điểm khoảng 6000 năm BP, toàn bộ vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng đã bị ngập chìm trong nước biển.
“… Sự có mặt của các thành tạo aluvi Holocen dưới-giữa (aQ21-2 yl) chứng tỏ trong một thời gian tương đối dài, mực nước biển hầu như ít thay đổi, nếu có thì cũng không đáng kể.”
“… Vào khoảng đầu Holocen giữa (khoảng 7700 BP)[4], mực biển hạ thấp dần theo nguyên lí con lắc đơn tắt dần. Lúc này tốc độ bồi tụ vùng cửa sông lớn hơn tốc độ lún chìm. Châu thổ bắt đầu phát triển mạnh. Vùng trước kia là cửa sông thì nay bị dần dần lấp đầy, trở thành châu thổ và dịch chuyển nhanh kể từ khi mực nước biển rút xuống sau thời điểm khoảng 6.000 năm BP.”
“… Giai đoạn aluvi bắt đầu từ cuối Holocen giữa (khoảng 3850 BP)[5], khi đồng bằng châu thổ đã hình thành và trải dài ra biển. Khi đồng bằng châu thổ phát triển ra phía biển thì nó để lại đằng sau một bề mặt bằng phẳng, rộng lớn, tương đối thấp.”
“… Trong điều kiện đó, hoạt động của các sông đã tạo nên tầng trầm tích aluvi, phủ lên trên các thành tạo châu thổ trước đó. Quá trình này kéo dài cho tới ngày nay.
Trong các kì lũ lụt, bề mặt đồng bằng châu thổ bị ngập chìm trong nước lũ. Nước chảy tràn trên bề mặt châu thổ để lại các lớp trầm tích hạt mịn gồm chủ yếu là sét, sét bột. Hàng năm có sự xen kẽ giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô đồng bằng châu thổ bị phơi ra, còn vào mùa mưa thì bị ngập nước. Quá trình ngập nước định kì như vậy đã phủ lên bề mặt châu thổ một lớp trầm tích hạt mịn với chiều dày thay đổi từ 0,5 đến 2-3 m.”
Tóm lại: biển tiến Flanđri bắt đầu từ khoảng năm 9000BP, đạt mức cực đại – cao hơn mực nước hiện nay 5m – vào khoảng 6000BP, đã làm chìm ngập toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc bộ cổ, sau đó biển thoái tới ngày ngay, đồng bằng cũ hiện ra đầy đủ vào khoảng 4000 BP, đề nghị người đọc ghi nhớ các con số quan trọng này vì sẽ nhắc tới ở dưới.
II. Ý kiến thứ nhất: Mô típ truyền thuyết về Đại hồng thủy của nhiều dân tộc chính là phản ánh của sự kiện biển tiến Flanđri.
Căn cứ tài liệu [1] nói trên thì cực đại của biển tiến Flanđri vào khoảng năm 6000 BP, có một số thông tin trên mạng khi lý giải về nạn Hồng thủy trong Kinh Thánh cũng đưa ra con số khá gần, rằng có sách nêu ra Đại hồng thủy là vào khoảng 7000BP và với sai số lớn. Chúng tôi cho rằng Đại hồng thủy chính là lúc biển tiến Flanđri tràn tới vùng cư trú của những dân tộc phát triển sớm ở các vùng đồng bằng gần biển, đẩy họ phải chạy lên những vùng đất cao hơn, hay di cư bằng thuyền sang một vùng đất mới. Theo hình dung của chúng tôi, khi đó những vùng bình nguyên, bãi cát hay đồng cỏ cũ sẽ biến thành đầm nước mặn khá nông (có chỗ chỉ xăm xắp mắt cá hoặc đến đầu gối) nhưng rộng lớn mênh mông hàng chục hay hàng trăm km, đó đây nổi lên những gò cao, rừng cây ngập mặn hay những khu nhà cũ của con người đã bỏ lại. Đó cũng chính là hình ảnh đồng bằng Bắc bộ trải qua cho đến thời điểm biển tiến Flanđri đạt cực đại (6000 BP).
Với mức nước lên lớn nhất chỉ khoảng 12mm/năm, rõ ràng hình ảnh Đại hồng thủy khắc vào tâm khảm con người thuở xưa chủ yếu là do sự rộng lớn mêng mông mô tả ở trên và cái thế nước lên lừng lững không thể cưỡng được, chứ không phải do độ sâu, tốc độ nước lên hay cảnh tượng chạy lụt náo loạn của những đợt lụt do mưa thông thường. Nên để ý thêm là vùng đất của người Do Thái (Ixraen), đất cội nguồn của Kinh Thánh, vốn ít mưa, nên hồng thủy chắc không phải là lụt do mưa. Nếu Hồng thủy là lụt do một đợt mưa lớn có thể chỉ vài ngày vào mùa mưa, như thường thấy ở nước ta, thì làm sao Nôê kịp đóng một con thuyền lớn như trong Kinh thánh nói ? Một bằng chứng khoa học khác cho nhận định này chúng tôi tình cờ phát hiện ra ở cuốn Từ điển Chăm Việt [6] trong đó ghi rõ “Hồng thủy” trong tiếng Chăm nghĩa đen là “nước biển sôi” (xem ảnh chụp mục từ đó dưới đây).
Hình 1: Mục từ “hồng thủy (nước biển sôi)” chụp lại từ cuốn từ điển Chăm-Việt.
Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ [7] cũng có câu “Nước lụt thời vua Nghiêu chưa rút, vạc thời vua Vũ chưa đúc, mênh mang biển quế…”, từ Nghiêu qua Thuấn đến khi Vũ trị thủy là 2-3 trăm năm vậy không thể là kiểu lụt ngắn hạn do mưa.
6000 BP là khoảng cuối đại đồ đá [8] cũng là khoảng thời gian phù hợp đủ để một số dân tộc cổ đại đã định cư lâu dài hàng trăm hay hàng ngàn năm, khiến họ phải lưu luyến khi phải rời bỏ miền đất cũ. Chứ nếu cực đại của biển tiến Flanđri sớm lên trước 8000 BP thì nhiều dân tộc còn chưa định cư, vẫn giữ cuộc sống du canh – du cư, hiện tượng thiên nhiên này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ, họ sẽ không lưu lại trong kí ức. Còn nếu cực đại biển tiến trễ lại sau vài ngàn năm nữa, khoảng 3000-4000 BP thì đã gần đến lúc con người sáng tạo ra chữ viết có thể ghi chép mô tả rõ ràng, không còn là truyền thuyết nữa.
III. Ý kiến thứ hai: Số hơn 4000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam là có cơ sở khoa học – đó là lúc đồng bằng Bắc bộ vừa tái xuất hiện sau biển tiến Flanđri, và người Việt tràn xuống khai thác.
Như phần I đã khẳng định, khi biển thoái Flanđri, các đồng bằng châu thổ trên thế giới đã xuất lộ trở lại và trải dài ra biển từ cuối Holocen giữa, riêng đồng bằng Bắc bộ xuất lộ hoàn toàn khoảng năm 4000BP. Đây là con số cực kì quan trọng, khá phù hợp với truyền thuyết Lạc Long Quân – Hùng Vương: 4000BP tức là khoảng 4000 năm trước, và là 600 năm sau lúc Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. “Xuống biển” để làm gì nếu không phải để khai thác vùng đồng bằng mêng mông vừa thấp thoáng xuất hiện trở lại sau đợt “Đại hồng thủy” dài hàng ngàn năm ? Xem mục IV ở dưới đây đã tính thì thời Hùng Vương bắt đầu khoảng 4600BP, tức là trước khi đồng bằng Bắc Bộ xuất lộ hoàn toàn 600 năm, nhưng khi đó các vùng đất cao có lẽ đã lộ ra hoàn toàn, chỉ bị ngập vào mùa lụt hay khi thủy triều lên. Thật vậy, tài liệu địa chất cho biết vùng trung tâm châu thổ Bắc Bộ, ở khoảng phía nam Hải Dương địa thế trung bình cao hơn vùng xung quanh khoảng hơn 1 mét, vậy phải nhô lên khỏi mực nước biển trước vùng Hà Nội, mặc dù ở gần biển hơn Hà Nội ! Từ Phong Châu ra vùng đất cao này sẽ phải vượt hàng chục km vũng biển nông hay đầm lầy nước mặn, dùng từ “xuống biển” là hoàn toàn đúng. Con số 600 năm đó cũng phản ánh quá trình lấn biển và trị thủy lâu dài và gian khổ của tổ tiên chúng ta, không phải các ngài chờ cho đồng bằng lộ ra hết rồi mới xuống khai thác !
Nhân tiện nói thêm hơn 4000 năm cũng là tuổi của nền văn minh Aicập, không có gì lạ cả vì có thể đồng bằng sông Nil của Aicập có độ cao gần như đồng bằng Bắc Bộ nên đã xuất hiện trở lại khi biển thoái Flanđri giống như đồng bằng Bắc Bộ, quá trình khai thác diễn ra cùng lúc, thế thôi. Thời đại vua Thuấn sai vua Vũ trị thủy trong cổ sử Trung Quốc là khoảng 4200 BP cũng khớp với đầu thời Hùng Vương, có thể lúc đó vùng đồng bằng sông Hoàng Hà cũng vừa phát lộ trở lại [9]. Tài liệu [1] cho biết không phải nước biển rút đều, mà có lúc lên lại, dạng dao động hình sin tắt dần, công cuộc trị thủy của vua Vũ có thể là đắp đê ngăn một đợt nước lên lại đó chăng?
Có lẽ cũng chẳng cần giải thích thêm vì sao công cuộc khai phá vùng đồng bằng Bắc Bộ lại dẫn tới hình thành nhà nước Văn Lang đầu tiên của người Việt khoảng 4600 năm trước, bởi đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, cần có sự đoàn kết, có tổ chức chặt chẽ, và cần tới những người thủ lĩnh gan dạ, mạnh mẽ và quyết đoán, đó là điều kiện và cũng là tiền đề để tổ tiên chúng ta vứt bỏ hình thức tổ chức bộ lạc nhỏ bé, tiến lên hình thức cao hơn, tức là hình thành Nhà nước Liên minh Bộ lạc, với một vị vua có quyền lực lớn.
Vứt bỏ những phần hoang đường, chỉ vận dụng suy luận lôgíc và thuần túy khoa học, thì Truyền thuyết “Một bọc trăm trứng sinh trăm con” có lẽ chính là phản ánh một sự kiện lịch sử có thực, đó là việc các bộ lạc làm lễ ăn thề, nguyện coi nhau như anh em cùng sinh từ một bọc mẹ, và tôn 1 người con Lạc Long Quân lên làm vua Hùng. Truyền thuyết này còn có thể do Âu Cơ-Lạc Long Quân khá đông con (có thể đến hàng chục, ví dụ như vợ chồng ông cậu ruột của người viết bài này có đến 15 con !), đó là lực lượng chính của lễ hội thề, số còn lại có thể cũng là họ hàng huyết thống gần, được phân làm thủ lĩnh các bộ lạc…
Tổ tiên chúng ta đã rất chân thực khi lưu truyền lại cho con cháu con số hơn 4000 năm, đâu có nói khống nên những con số như 6000 hay 7000 năm cho “ngang vai” với người TQ, mà cũng không nói thấp đi. Vậy mà trên mạng Internet thấy nhiều bạn trẻ học đòi kiểu lập luận khoa học chính xác của phương Tây khẳng định thời Hùng Vương có 18 đời mà dài hơn 2.000 năm là chuyện bố láo. Cũng không thể trách họ vì ngay trong cuốn Từ điển Việt-Hán, xuất bản năm 1960 [10], các học giả đáng kính như Đinh Gia Khánh, Trần Văn Tấn cũng chấp nhận để nhóm biên tập người TQ ghi rằng nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là khoảng thế kỷ 8 trước CN đến năm 208 trước CN. Nếu cứ ghi hẳn ra là 26 thế kỷ trước CN, thì vẫn là nói có sách, theo các sách chính sử của ta như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại, chứ còn con số thế kỷ 8 Tr. CN thì mới thật sự là giả tạo, chẳng thấy sách vở gì dẫn chứng cả.
Con số hơn 4000 năm lịch sử có lẽ đã được nhắc tới từ hàng trăm năm trước, còn hiện tại đã cách xa khoảng 4600 năm, người viết đề nghị từ nay chúng ta nên dùng thành ngữ “gần năm ngàn năm lịch sử”, để mấy nhà “khoa học chính xác” kiểu phương Tây khỏi thắc mắc vì sao cứ “bốn nghìn năm” mãi thế.
IV. Về vấn đề mâu thuẫn: 18 đời vua Hùng dài đến hơn 2000 năm.
Giở lại chính sử như Đại Việt sử ký tiền biên [11] , thì thấy tính thời đại Hồng Bàng -Hùng Vương là từ năm 2879 BC “Từ năm Nhâm Tuất (ngang đời Đế Minh) kết thúc năm Quý Mão (thời Chu Noãn Vương) gồm 2622 năm”. An Dương Vương dứt đời Hùng Vương vào năm 258 BC (258=2879-2622+1) [12]. Nếu tính từ năm nay[13] là 2008, thì đã có 2008+2879= 4887 năm, tức là lịch sử nước ta có gần 5 ngàn năm rồi chứ không phải chỉ hơn 4 ngàn năm đâu !
Đại Nam Quốc sử diễn ca [14] cũng ghi từ Kinh Dương Vương đến hết Hùng Vương là 20 đời, cộng 2622 năm, (trung bình một đời là 131 năm !?), 20 đời là tính 18 đời Hùng Vương, cộng thêm 2 đời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, nếu cho rằng đời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân còn ở đất TQ nên không tính thì bớt đi 2/20 của 2622 còn 2360 năm, vẫn hơn 2000 năm nhiều. Chúng ta hãy thử lý giải những con số rõ ràng là vô lý: 18 đời vua Hùng kéo dài khoảng 2360 năm, bắt đầu khoảng 2618 BC, một vua ở ngôi bình quân đến 131 năm, vô lý đến thế mà tổ tiên chúng ta vẫn cứ khăng khăng lưu truyền lại ? Chắc chắn phải có uẩn khúc gì đây ?
Hình 2:
Ảnh chụp bản Nôm “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, Tự Đức tam thập tứ niên – 1871, phần chú giải chữ Hán lấy từ chính sử.
Phiên: Hồng Bàng thị kỉ. Kinh Dương Vương. Viêm Đế Thần Nông chi hậu, Đế Minh chi tử dã. Sơ Viêm Đế tam thế tôn viết Đế Minh, nam tuần Ngũ Lĩnh tiếp Vụ Tiên nữ nhi sinh tử viết Lộc Tục, thông minh thánh trí, Đế dục truyền dĩ vị, Lộc Tục….”
1- Lịch sử TQ cũng ghi thời ngũ đế: Hoàng Đế, Chuyên Húc (họ Cao Dương), Đế Khốc (họ Cao Tân), Nghiêu, Thuấn, kéo dài từ khoảng thế kỉ 26BC đến TK21BC hoặc 22BC tức là chỉ có 5 vua mà dài đến gần 5 thế kỉ, mỗi vị làm vua đến 100 năm, thì phải thọ ít ra hơn 100 tuổi ! Có thể người Việt xưa đã tính các đời vua Hùng theo cách “thánh nhân hóa” như TQ, nên con số 18 đời không có nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay. Hãy chú ý chuyện lạ là trong 5 đời Đế nói trên thì Đế sau không phải con của Đế trước (tích chuyện vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, Thuấn truyền cho Vũ, nhiều người hẳn biết, mãi đến đời vua Vũ mới truyền ngôi cho con, có thể chế độ phụ hệ của người Hán định hình từ khi đó chăng ?). Khi mà TQ chưa lý giải được cách tính số đời kì lạ của họ, thì sao chúng ta lại có quyền nghi ngờ tổ tiên mình ngoa truyền ? Chỉ một chứng lý này cũng đủ để chúng ta không được “sửa sai” sử sách một cách bừa bãi, khi chưa hiểu lý do!
2- Ngoài ra chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết sau: Không hề có sách vở gì khẳng định người Việt thời Hùng vương theo chế độ phụ hệ như người TQ cả, mà có thể theo chế độ mẫu hệ nhưng phụ quyền như người Chăm và một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngay trong Đại Việt sử ký tiền biên [7], Ngô Thì Sĩ cũng đã phê phán một số sử đời trước, coi việc theo cha là chính thống nên đã thay đổi lời văn ở cổ sử, cổ sử nói “Âu cơ dắt 50 người con lên ở Phong Sơn, suy tôn người con trưởng làm vua gọi là Hùng Vương”, tức là Hùng Vương không ở trong số 50 con theo cha xuống biển. Chú ý chính Lạc Long Quân tài giỏi hơn các đời Hùng Vương sau thì lại không được tôn làm vua, phải chăng cũng vì cái gốc “ngoại tộc” khi tính theo chế độ mẫu hệ ? Bị che mắt bởi các giáo lý đạo Khổng, trọng nam khinh nữ, thì làm sao còn nghĩ rằng chuyện “ngược đời” như sau lại có thực: Các đời Mị Nương sẽ truyền vương miện cho nhau và Hùng Vương đời sau có thể là chồng hay con trai của một Mị Nương nào đó đời sau chứ chưa chắc là con trai của Hùng Vương đời trước ! Mà một Mị Nương cũng không bắt buộc phải có duy nhất một chồng theo lễ giáo của ông Khổng, ông Mạnh. Mị Nương (hoặc triều đình) có quyền chọn một trong số nhiều người chồng hay con trai của mình để trao cho quyền điều hành đất nước – tức làm vua, nếu vua chết sớm thì có thể chọn một người chồng hay con trai khác thay, nhưng “vương miện” (với nghĩa là biểu tượng nối dòng) thì phải truyền cho một Mị Nương khác ! Có lẽ toàn bộ vấn đề là ở đây chăng ? hãy nhớ lại là người Tây Nguyên theo mẫu hệ lại có tục “nối dây” (chú giải tục này trong bài trích giảng Trường ca Đam San học từ phổ thông: chú chết thì cháu phải lấy vợ chú để “giữ dòng”), nếu vậy tính sao cho đúng một đời Hùng Vương quả là rắc rối.
Khả năng người Việt cổ theo mẫu hệ còn phản ánh rõ qua 2 sự kiện lịch sử: hai cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống quân đô hộ TQ đều do phụ nữ lãnh đạo (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), và các bà đều xưng vương hay được tôn vương, các đấng sĩ phu Khổng học có dám nói đó là loạn đạo lý đâu !
V. Tìm hiểu thêm:
1. Vấn đề dòng dõi của Hùng Vương (Hồng Bàng thị).
- Chừng nào chưa có tài liệu với đầy đủ chứng cứ khoa học bác bỏ, thì chúng ta đành phải theo đúng sử sách, dù tâm lý chung chắc nhiều người muốn lờ đi. Sử ta đã ghi rõ Lộc Tục tức Kinh Dương Vương là con của Đế Minh, Đế Minh là cháu 3 đời của Viêm Đế tức vua Thần Nông, Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ quân sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân “nam tiến” tới vùng đồng bằng Bắc bộ, lấy Âu Cơ và sinh ra 100 người con là tổ tiên của người Việt Nam hiện nay.
– Vứt bỏ những phần hoang đường đi, thì còn lại một thực tế là có thể có một nhóm người Bách Việt ở vùng hồ Động Đình, phía nam Trường Giang, lãnh đạo là Lạc Long Quân, đã thiên di xuống phía Nam, có thể nhóm này cũng không đông lắm, phải là những trai tráng mạnh khỏe mới vượt qua được dãy núi Ngũ Lĩnh hiểm trở, họ lấy người Việt bản địa, cụ thể là Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, và góp phần xây dựng lên nhà nước Văn Lang. Như phần trên đã nói, nếu khi đó người Việt còn theo chế độ mẫu hệ, thì từ Viêm đế tới Kinh Dương Vương chỉ là “ngoại tổ”, có lẽ vì vậy người Việt thời đó không thấy lấn cấn gì khi thừa nhận gốc gác “bên ngoại” này…
– Hơn nữa, có lý do để tin rằng Thần Nông vốn gốc là dân Bách Việt chứ không phải gốc người Hán ở lưu vực Hoàng Hà, cái tên Viêm Đế (Viêm là nóng ấm, tức phương Nam) có thể là một minh chứng, và nghề nông của Thần Nông chắc bắt nguốn từ phương Nam chứ không phải phương Bắc, (chỉ ở Nam Bộ VN mới có giống lúa trời, không gieo mà mọc). Chính người Hán cũng biết rõ sự thực lịch sử là họ vốn phát tích từ lưu vực Hoàng Hà, đến khoảng đời Chu mới bành trướng đến vùng nam Trường Giang, nơi định cư của các tộc Bách Việt. Nếu họ nhận Thần Nông là người ngoại tộc làm một trong số Tam hoàng đầu tiên của mình thì cũng không có gì ngạc nhiên, người Hán vốn có khả năng đồng hóa cao, họ vẫn chấp nhận nhà Nguyên với Thành Cát Tư Hãn, cùng nhà Thanh là các triều đại chính thống của họ mà.
2. Trước thời đại Văn Lang tổ tiên chúng ta cư trú ở đâu ?
Hãy bỏ qua cái chi tiết “trăm trứng” hoang đường đi, mà xét truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ dưới góc độ khoa học, sẽ nảy sinh một câu hỏi: khoảng 4600 năm trước, trước khi theo Lạc Long Quân xuống khai phá đồng bằng, tổ tiên người Việt đã cư trú ở đâu ?
Đồng bằng thì vẫn còn ngập trong nước mặn, vùng núi Tây và Tây Bắc thì quá hiểm trở, mãi tới thời đã giành lại độc lập là Đinh-Lý-Trần vẫn còn ít người Kinh sinh sống. Miền núi Việt Bắc và Đông Bắc thì khả dĩ hơn, chúng tôi nghĩ là đã có nhiều bộ lạc Thái-Kadai (Tày-Nùng) ở vùng này tham gia vào quá trình tiến xuống đồng bằng, hợp huyết với người Việt cổ.
Nhưng, dựa vào địa bàn cư trú của dân tộc anh em gần gũi với người Kinh là người Mường hiện nay thì có thể tin chắc là người Kinh cổ đại đã cư trú tập trung tại vùng đồi núi Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, bên cạnh người Mường, khi mà vùng đồng bằng Bắc Bộ còn ngập chìm trong “Đại hồng thủy”. Với các vết tích khảo cổ rất tập trung và phong phú về thời đại đồ đá ở núi Đọ, đồ đồng ở Đông Sơn, đều nằm trong tỉnh Thanh Hóa, cổ hơn cả vùng Phong Châu – kinh đô của các vua Hùng, thì Thanh hóa xứng đáng được thừa nhận là cái nôi của người Việt cổ. An Dương Vương Thục Phán, khi thế cùng đã chạy về bờ biển Thanh Hóa chứ không lên Phong Châu để ẩn vào vùng núi Tây Bắc. Ngay cả vua Trần, dòng họ vốn gốc gác ở Trung Quốc, khi nguy nan vì giặc Nguyên cũng còn thốt nên “Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”, coi Thanh Hóa-Nghệ An là căn cứ cuối cùng của mình.
Có thể ước đoán là người Việt cổ đã tiến xống đồng bằng theo con đường từ vùng căn cứ ở Thanh Hóa-Ninh Bình ven theo chân núi qua Hòa Bình-Sơn Tây xuống tập kết ở vùng Phong Châu, Phú Thọ rồi từ đó tỏa xuống đồng bằng, chứ không đi thẳng từ Ninh Bình ra đồng bằng được vì lúc đó chỗ giữa Ninh Bình và Nam Định còn là phần cửa biển của sông Hồng, sâu và rất rộng (tham khảo bản đồ địa hình đồng bằng Bắc bộ ở dưới và tài liệu [1]), ngay cả Hà Nội khi đó có lẽ cũng còn là một vùng đầm lầy chỉ có vài khu đất cao như Núi Nùng mới ở được.
Hình 3: Bản đồ địa hình đồng bằng Bắc bộ, lấy từ maps.google.com
[1] DOÃN ĐÌNH LÂM, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam “TIẾN HOÁ TRẦM TÍCH HOLOCEN CHÂU THỔ SÔNG HỒNG”, xem tại địa chỉ : http://www.idm.gov.vn/nguon_luc/Xuat_ba … 288/a7.htm , có thể tham khảo thêm bài của một nhóm tác giả khác liên quan tới vấn đề này nhưng ở miền Nam Trung bộ : http://www.idm.gov.vn/Nguon_luc/Xuat_ba … 92/a10.htm,
[2] Thế Pleistocen hay thế Canh Tân là một thế địa chất kéo dài từ khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay.
[3] Thế Holocen (còn gọi là thế Toàn Tân) là một thế địa chất bắt đầu vào khoảng 11.550 năm BP và tiếp tục tới ngày nay.
[4] Phần in nghiêng trong ngoặc là người viết ghi chú, dựa trên việc chia khoảng thời gian 11.550 năm của thế Holocen thành 3 đoạn đều nhau: đầu, giữa, cuối. Holocen giữa sẽ ở trong khoảng (7700-3850BP).
[5] (như chú thích trên)
[6] GS Bùi Khánh Thế chủ biên, NXB KHXH 1995.
[7] Đại Việt sử ký tiền biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật, NXB KHXH, 1997. Nguyên bản chữ Hán của tác giả Ngô Thì Sĩ, do con ông là Ngô Thì Nhậm khắc in trong 3 năm 1798-1800, niên hiệu Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn. Xem trang 40.
[8] Sự chuyển giao của thời đồ đá qua đồ đồng diễn ra khoảng giữa 6000TCN và 2500TCN đối với đa số dân cư sống tại Bắc Phi, Châu Á và Châu Âu.
[9] Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Nước lụt thời vua Nghiêu chưa rút, vạc thời vua Vũ chưa đúc, mênh mang biển quế…” (trang 40)
[10]Từ điển Việt Hán, GS Đinh Gia Khánh hiệu đính, NXB Giáo dục tái bản 2003.
[11] Xem chú thích (7).
[12] Cuốn Từ Điển Việt Hán ở trên thì lại tính năm Hùng Vương cuối là 208 Tr.CN (?)
[13] Bài này viết xong tháng 11/2008.
[14] Bản của người viết dùng là bản Nôm Tự Đức tam thập tứ niên (1871) , Chính Trung Đường tàng bản.