Thơ viếng Đặng Thế Phong của Thanh Tịnh
Thơ viếng Đặng Thế Phong của Thanh Tịnh
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942) tác giả 3 ca khúc bất hủ Con thuyền không bến, Bến Thu, Giọt mưa thu, là một trong các nhạc sĩ nổi danh nhất thời Tiền chiến. Ông mất khi rất trẻ vì bệnh lao, khi mới 24 tuổi. Nhà thơ Thanh Tịnh có đến nhà viếng, ngủ lại một đêm, sáng sau khi ông đi thì người nhà thấy trên bàn thờ Đặng Thế Phong có để một bài thơ viếng rất lâm ly, viết trên một mảnh bìa.
Thanh Tịnh (1917-1988, sinh ở Huế, gần đồng tuổi với Đặng Thế Phong) là một trong những nhà thơ Tiền Chiến (còn gọi là Phong trào Thơ mới) hàng đầu, đứng ngang hàng với Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên trong cuốn Thi Nhân Việt Nam nổi tiếng của Hoài Thanh. Nhưng bài thơ này lại khá lạ, giọng thơ khác nhiều với các bài thơ Tiền Chiến thời đó, cả với chính thơ của Thanh Tịnh, khi đọc đến bài này người viết đã để ý điều đó mà cũng chưa hiểu lý do, mãi sau này đọc nhiều về ca trù mới nhận thấy giọng thơ phảng phất giọng ca trù cổ nên khác với “Thơ Mới”, nhất là câu kết “Thực là tri kỉ tri âm” chính là cách kết bài của ca trù thông thường. Bài thơ này hiện người viết không còn lưu văn bản (đó là một bài báo cũ từ hàng chục năm trước), nên chỉ ghi lại theo trí nhớ như sau:
VIẾNG ĐẶNG THẾ PHONG
Đêm phong vũ khóc hoài thiên cổ lụy
Đàn mưa bay thổn thức tiếng ly cầm
Phấn hương tàn hỏi đâu lòng tri kỉ
Suối Trữ La trôi hết bản đàn tâm
Gác lẻ giường đơn ta nằm mơ bóng
Ảnh tài hoa lồng lộng nẻo âm u
Hồn vấn vương lưu lại mảnh chăn cù
Hương ấm nhẹ khôn ru hồn đơn lẻ
Ta nhớ tình trai, ta buồn lặng lẽ
Ngoài sóng gió bốn phương dâng lệ
Trắng lòng ta một mảnh tình si
Muôn thế nhân nơi nguồn thực tế
Họ quên rồi, nhớ mãi mà chi
Đàn gảy lên đi, khóc chàng nhạc sĩ
Nửa kiếp hoa băng tàn phai nhụy
Bàn thờ lạnh lẽo ai tri kỉ
Gác hở song thưa gió bốn bề
Kỉ niệm hoa niên bừng tỉnh thức
Ta về gây lại lửa si mê
Phong ơi linh trí lai hề
Đốt trầm hương triệu Phong về trần gian
Hồn bay trên những phím đàn
Tiếng tơ đồng vọng trên ngàn trúc ty
Thực là tri kỉ tri âm.
Chú thêm: tại hạ ngờ là bài này chưa hề có trong tuyển tập thơ nào của Thanh Tịnh nên mới đưa lên đây để nó khỏi mai một.