PHẢN BIỆN VỀ THÀNH NGỮ LANG BẠT KỲ HỒ
Học giả An Chi viết:
“…
Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại từ thay thế cho danh từ “lang” còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú. Vậy “lang bạt kỳ hồ” là con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được). Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng và chú như sau: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đây đó (không rõ tại sao)”.
Điều mà quyển từ điển trên ghi “không rõ tại sao” chung quy cũng là do từ nguyên dân gian mà ra. Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: “lang” với “lang thang”, “bạt” với “phiêu bạt”, “hồ” với “giang hồ”, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó”. Chẳng những thế, người ta còn lược bỏ hai tiếng “kỳ hồ” mà nói gọn thành “lang bạt” để diễn đạt cái nghĩa trên đây. Quả vậy, Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi nhận: “lang bạt: sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ”. Nhiều quyển từ điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng “lang bạt” đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt.
…”
Nhà nghiên cứu – TS Nguyễn Ái Việt còn gay gắt hơn, ông đã móc nối sự nhầm lẫn này với “thói quen làm khoa học ếch ngồi đáy giếng” của người Việt, xin xem link:
http://aivietnguyen.blogspot.com/2014/11/lang-bat-ky-ho.html.
Đọc kỹ bài thì thấy cả học giả An Chi và TS Nguyễn Ái Việt đều lập luận rất logic, đặc biệt TS Nguyễn Ái Việt đã dẫn tư liệu sách chữ Hán hết sức phong phú.
Có điều tui thấy cả hai vị đều sơ suất ở một điểm, đó là chỉ trích dẫn mỗi câu đầu của bài Kinh Thi “Lang Bạt” 狼跋, ở thiên Mân Phong 豳風:
狼 跋 其 胡, 载 疐 其 尾 .
Lang bạt kì hồ, tải chí kì vĩ.
Nghĩa đen là “Con sói bước tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải cái đuôi của mình” (TS Nguyễn Ái Việt dịch)
Trong khi đó cả hai vị đều không đả động gì đến câu tiếp sau :
公孫碩膚、赤舄几几。
Công tôn thạc phu, xích tích kỉ kỉ
Đại ý là “Bậc đại nhân quý tộc, đi hài đỏ dáng yên bình, ổn định, chắc chắn”.
Để hiểu sâu ý nghĩa toàn bài “Lang bạt” cần phải phân tích kết hợp nghĩa của cả hai câu trên, rõ ràng chúng là những hình ảnh mang tính đối lập, ví von và giàu ẩn ý:
– Một bên thì có bộ điệu cập rập lúng túng chân nọ đá chân kia, một bên thì đi đứng khoan thai, bình ổn.
– Một bên vốn là giống vật hoang dã quen lang thang ngoài thảo nguyên hay trong rừng rậm, không có chỗ trú ẩn cố định, một bên là bậc quý tộc đại nhân, đi đứng khoan thai bình ổn trong điền trang hay dinh thự của mình…
Bản thân từ “lang thang” biết đâu cũng có thể xuất xứ từ chữ “lang” là con sói, do lối sống săn mồi của loài sói nên chúng không cố định hang ổ một chỗ, thường thì sói chỉ nằm ổ khi đẻ. Khi chưa phân tích kỹ lưỡng từ nguyên của từ “lang thang” thì chưa thể phê bình việc người xưa gắn “lang sói” với “lang thang” là một sự lầm lẫn được.
Theo tui muốn hiểu từ “lang bạt” cần phải hiểu trong toàn bộ bài Kinh Thi “Lang bạt”, và phải giải thích với cách nhìn khái quát sự vật vì Kinh Thi vốn dĩ rất hàm súc thâm thúy, chứ không thể cắt xén một câu hay một từ rồi giải thích theo nghĩa đen “Lang bạt” là “con sói tự dẫm lên yếm nó”, hay diễn giải xa hơn thành “mắc kẹt” như ý kiến của TS Nguyễn Ái Việt. Phải so sánh với cuộc sống của kẻ quý tộc trong lầu son gác tía “xích tích kỉ kỉ” mới thấm hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của những người lao động “lang bạt kỳ hồ” sống cuộc đời như súc vật ngoài thảo nguyên bao la !
Với cách nhìn khái quát đó việc người Việt hiểu “lang bạt” theo nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó” có thể phê bình là “óc tưởng tượng hơi quá đà” nhưng bảo rằng hoàn toàn lầm lẫn (do ngu dốt, ít học), không có căn cứ gì thì tui thấy chưa thuyết phục !
Để tránh lặp lại cái lỗi trích dẫn không đầy đủ, tui xin copy/paste nguyên cả bài Kinh Thi “Lang bạt” dưới đây vì nó còn có 2 câu ở khổ dưới nữa.
狼跋
狼跋其胡、載疐其尾。
公孫碩膚、赤舄几几。
狼疐其尾、載跋其胡。
公孫碩膚、德音不瑕。
Lang bạt
Lang bạt kì hồ, tải chí kì vĩ
Công tôn thạc phu, xích tích kỉ kỉ
Lang chí kì vĩ, tải bạt kì hồ
Công tôn thạc phu, đức âm bất hà.
—
Do bài thơ có sự ví von ẩn dụ, 2 câu nói về con sói không thể hiểu đơn giản theo nghĩa đen nên tui không dịch, để người đọc tự cảm nhận, chỉ giải thích một số từ khó theo tự điển, chứ không bịa ra chữ nào cả:
– 疐Chí . (1): vướng chân. (2): ngã. (3): ngăn trở.
– 膚Phu : (nghĩa thứ 3 trong tự điển Thiều Chửu): lớn, như: phu công 膚功-công lớn.
– 舄 Tích (nghĩa thứ 1 trong tự điển Thiều Chửu): giày hai lần đế, giày của vua đi gọi là xích tích 赤舄.
– 瑕Hà : vết ngọc, điều lầm lỗi của người ta gọi là hà tỳ 瑕疵.
– 几几kỉ kỉ :安和穩重的樣子 – an hòa ổn trọng đích dạng tử (theo zdic.net)
—
Ngoài ra tôi đề nghị người đọc trước khi tìm hiểu bài Kinh Thi đó thử cảm nhận 2 bài thơ này:
(Bùi Giáng)
Rong rêu ngày tháng rong chơi
Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là
Sưu tầm túy vũ cuồng ca
Hồn nhiên như thể như là hài nhi?
Chiêm bao tóc thuận tơ tùy
Tồn sinh nặng nhọc nhu mỳ ở đâu
Ngữ ngôn khép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra
Dịu dàng cuối lá đầu hoa
Mười về châu lệ chín sa dòng dòng
Miêu Cương mạc ngoại hoài mong
Hồng hoang chín bệ tấm lòng đầu thai
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du
(Tuệ Sỹ)
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.
12/2/2017
BÀN VỀ VỊ TRÍ DẤU THANH TRONG CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT
- Về cuộc “cách mạng chính tả” cách bỏ dấu trên các vần OA, OE, UY
Cách đây 4-5 năm người viết thử “gúc” (Google) một số từ để kiểm tra kết quả cuộc cải cách chữ viết hình như do nhóm làm phần mềm BKED khởi xướng hơn 30 năm trước, về quy tắc bỏ dấu trên các vần oa, oe, uy…
Và đây là kết quả:
Khoảng 23.500.000 kết quả (0,22 giây) cho “hòa bình”
Khoảng 8.780.000 kết quả (0,27 giây) cho “hoà bình”
Khoảng 6.970.000 kết quả (0,21 giây) cho “thỏa mãn”
Khoảng 2.860.000 kết quả (0,23 giây) cho “thoả mãn”
Khoảng 1.400.000 kết quả (0,15 giây) cho “giải tỏa”
Khoảng 1.440.000 kết quả (0,22 giây) cho “giải toả”
Khoảng 1.770.000 kết quả (0,27 giây) cho “khỏe mạnh”
Khoảng 1.990.000 kết quả (0,28 giây) cho “khoẻ mạnh”
Khoảng 576.000 kết quả (0,33 giây) cho “tung tóe”
Khoảng 224.000 kết quả (0,36 giây) cho “tung toé”
Khoảng 565.000 kết quả (0,34 giây) cho “mánh khóe”
Khoảng 135.000 kết quả (0,27 giây) cho “mánh khoé”
Khoảng 1.890.000 kết quả (0,16 giây) cho “tùy ý”
Khoảng 452.000 kết quả (0,40 giây) cho “tuỳ ý”
Khoảng 165.000 kết quả (0,27 giây) cho “thành lũy”
Khoảng 92.800 kết quả (0,34 giây) cho “thành luỹ”
Khoảng 437.000 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tụy”
Khoảng 94.800 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tuỵ”
Khoảng 80.700 kết quả (0,22 giây) cho “túy lúy”
Khoảng 26.000 kết quả (0,29 giây) cho “tuý luý”
Khoảng 246.000 kết quả (0,22 giây) cho “lũy kế”
Khoảng 386.000 kết quả (0,36 giây) cho “luỹ kế”
…
Chịu khó phân tích thấy cũng có nhiều thông tin từ các con số khô khan của Google:
- Các từ càng phổ thông, càng có xu hướng viết kiểu cũ như “hòa bình”, “thỏa mãn”… Các từ ít phổ thông có lẽ làm người viết phân vân về chính tả trước khi viết nên xu hướng viết kiểu mới lại thắng thế như “giải toả”… Tuy nhiên, cũng có người đưa ra ý kiến cho rằng “Không phải vậy, người ta quen viết kiểu cũ, viết kiểu mới là vì từ thời máy tính được dùng phổ biến thay máy chữ soạn thảo văn bản, thì các bộ gõ bị đặt mặc định kiểu gõ mới, nên họ buộc phải theo thôi, vì sửa lại khá mất thì giờ, chứ không phải thích kiểu bỏ dấu mới! …”
- Tìm hiểu thêm về loại văn bản, có thể thấy các tác phẩm văn học thường in theo kiểu bỏ dấu cũ.
- Các từ thuộc nhóm từ KHXH thiên về kiểu cũ (ví dụ 75% cho túy lúy)
- Các từ nhóm từ KHKT lại nghiêng theo kiểu mới (ví dụ 61% cho luỹ kế)
- Xu hướng viết cân đối mỹ thuật vẫn còn nhiều người ủng hộ: kết quả về tiều tụy/tiều tuỵ ở trên cho thấy rõ là khi kiểu viết mới mất cân đối rõ rệt thì tỷ lệ ủng hộ rất thấp (chỉ có 18% cho tiều tuỵ). Khi cắt khẩu hiệu, băng rôn treo ngoài đường phố thì chữ rất to, vấn đề cân đối cũng thấy rõ nên xu hướng chọn kiểu viết cũ cũng thắng thế, xem dạng font cỡ lớn ở dưới sẽ hiểu:
HÒA – HOÀ
Với tình hình khảo sát thống kê ở trên, người viết trộm nghĩ giá hồi xưa người ta đừng đứng ra phát động cuộc cải cách về dấu trên các vần oa, oe, uy thì biết đâu chính tả tiếng Việt bây giờ lại đỡ lộn xộn hơn? Người viết từng có dịp trao đổi với cụ Nguyễn Tài Cẩn, giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học của Việt Nam, khi nhắc tới vấn đề này, thì thấy giáo sư có vẻ không quan tâm và không bình luận đúng sai gì cả.
- Phải chăng thanh điệu là độc quyền của riêng nguyên âm chính ?
Cuộc cải cách chữ viết trên các vần OA, OE, UY dựa vào lập luận về nguyên âm chính, nhưng ngay cả định nghĩa thế nào là “nguyên âm chính” cũng chưa rõ ràng, căn cứ cường độ (đềxi bel) hay trường độ (mili second) của các nguyên âm, hay tổ hợp cả hai yếu tố đó ? và các con số thống kê thì lấy ở nguồn nào hay chỉ dựa vào thính giác chủ quan của từng người ?
Chúng ta thử phân tích:
- Thanh điệu vốn là thuộc tính của cả từ chứ không phải là “độc quyền” của nguyên âm chính. Do quán tính vật lý của bộ máy phát âm nên khó có thể ngay lập tức thay đổi cao độ của từ chỉ trong khoảng thời gian ngắn của nguyên âm chính, nên các âm đệm trước (-o-,-u-) và sau nguyên âm chính (như -i ở vần -ai, -oi) .v.v. hẳn nhiên cũng đều tham gia vào việc thể hiện thanh điệu.
- Hơn nữa, nguồn gốc hình thành của thanh điệu Việt cũng như tiếng Hán vốn không nằm ở nguyên âm mà lại nằm ở phụ âm, đặc biệt là âm cuối. Phát hiện này do học giả người Pháp Haudricourt nêu ra dựa trên nghiên cứu sự đối ứng thanh điệu của tiếng Việt trong các từ gốc Môn-Khmer với các phụ âm cổ xưa của các từ đó còn lưu giữ trong các ngôn ngữ bà con gốc Môn-Khmer, cụ thể:
Giữa thanh điệu và phụ âm đầu có liên quan chặt chẽ đến nhau theo hướng các phụ âm đầu tắc vô thanh tương ứng với một thanh có âm vực cao, còn những phụ âm đầu hữu thanh thì tương ứng với thanh điệu có âm vực thấp.
Thanh điệu tiếng Việt lại có sự tương ứng với phụ âm cuối, hay chính xác hơn là với cách kết thúc âm tiết:
Hai thanh ngang-huyền: âm tiết mở;
Hai thanh hỏi-ngã: âm cuối xát;
Hai thanh sắc-nặng: âm cuối tắc yết hầu.
Ở Hán ngữ thì “thượng thanh” đối ứng các âm cuối tắc yết hầu “-?”, “khứ thanh” đến từ các âm cuối có “-s” .v.v. Các kết luận này hiện nay đã được giới ngôn ngữ học quốc tế, gồm cả các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, thừa nhận rộng rãi[2]. - Thậm chí thanh điệu cũng không phải độc nguyền của các nguyên âm nữa, vì có nhiều phụ âm vốn là “phụ âm hữu thanh”, tức khi phát âm có sự tham gia của dây thanh đới, nên ít nhiều có lẽ chúng cũng có tham gia vào quá trình tạo thanh điệu của từ, nhất là ở các phụ âm cuối hữu thanh và vang kéo dài như -ng/-nh.
- Phụ âm không những tham gia vào tiến trình lịch sử tạo thanh điệu như đã nói trên mà thậm chí ở một số ngôn ngữ có chữ viết như chữ Thái Việt Nam chúng lại có quyền quyết định thanh điệu của từ, cái sự tưởng như vô lý đối với người Việt này lại là bình thường trong chữ Thái Việt Nam. Chữ Thái Việt Nam có phân biệt rõ hai lớp phụ âm tổ thấp và tổ cao, cách viết của chúng không chỉ mang tải thông tin phụ âm mà còn mang tải thông tin thanh điệu, muốn đọc đúng thanh điệu của từ tiếng Thái phải nhìn vào phụ âm mà đọc chứ không phải nhìn vào nguyên âm, lại càng không phải là nhìn vào nguyên âm chính.
Hình minh họa về hai lớp phụ âm tổ thấp và tổ cao của tiếng Thái:
Ở bộ font chữ Thái Đen (Tai Dam) đã khai báo với tổ chức Unicode thì có bổ sung thêm hai dấu thanh, hai dấu này được quy ước gắn trên phụ âm đầu chứ không phải nguyên âm, và chúng được thiết kế đặt khá cao phía trên phụ âm nên tạo được cảm giác dấu thanh thuộc về cả từ.
Như vậy ở chữ Thái VN có dấu tích rõ ràng nguồn gốc của thanh điệu là từ phụ âm chứ không phải nguyên âm, một minh chứng lịch sử rất trực quan cho thuyết của Haudricourt[3].
Hình minh họa một câu chữ Thái Đen Sơn La trong cuốn giáo trình chữ Thái của Cầm Trọng & Nguyễn Văn Hòa, đánh máy bằng font Unicode, hai dấu nằm ở vị trí cao nhất là dấu thanh, (quy ước hiện nay là đặt trên phụ âm đầu như chữ Thái Lan):
- Có lẽ những người phát minh ra dấu điện tín tiếng Việt (telex) thời xưa cũng đã nắm rõ vấn đề là thanh điệu vốn là thuộc tính chung của cả từ nên quy tắc điện tín chuẩn là bỏ dấu (5 ký tự f,j,r,s,x) ở cuối từ, chứ không phải đính sau một nguyên âm nào cả !
- Người viết nhớ hồi xưa khi nhóm cải cách chính tả muốn “giác ngộ” quần chúng, họ đã yêu cầu thử đọc tách rời hò-a và ho-à để xem cách nào sát âm “hòa” hơn… Quả thực ho-à sát hơn, nhưng cách làm đó chưa công bằng, mang màu sắc cảm tính, vì tách âm đúng hơn nữa phải là hò-à, dấu không thuộc riêng một nguyên âm nào.
Như vậy viết “hòa” theo kiểu cũ, cho dấu nằm ngay giữa từ, chính là để nhắc người đọc rằng dấu thanh vốn thuộc về cả từ, phần nào cũng có logic đó chứ ? Cá nhân người viết cho rằng quy ước đặt dấu thanh trên nguyên âm chính thoạt nhìn có vẻ “khoa học” hơn, nhưng chỉ là một trong các tiêu chí để xem xét chọn lựa, chứ nếu nâng quy ước đó thành nguyên tắc bắt buộc thì đó lại là một quy định mang tính chủ quan, áp chế và chưa có đủ căn cứ khoa học như đã phân tích rõ ở phần trên. Vả lại nếu thực sự cần phát động một cuộc “cách mạng chữ viết” thì còn rất nhiều cái quan trọng đáng phải sửa chữa hơn là quy tắc bỏ dấu trên 3 vần đó. Chẳng hạn:
- Trong các vần -ay, -au thì “a” là nguyên âm a ngắn, chính tả thông thường viết là “ă”. Như vậy các từ “tau, mày, say, mau”… đáng lý phải viết “tău, mằy, săy, mău” mới đúng … Khi đọc thấy điều “nằy” trong cuốn Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn, người viết rất bất ngờ, té ra lâu “năy” mình dốt.
- Trong các vần -ay, -au, -âu, -ia khó nhận ra nguyên âm nào là âm chính, nhưng dựa vào các ví dụ như ni = nay, thu = thâu, nghì=nghĩa, tru=trâu … thì lại có thể thấy rằng thời xưa âm chính là -u và -y hay -i chứ không phải là -a ? Như vậy, nếu theo logic dấu phải đặt trên âm chính thì lại phải sửa thêm rất nhiều trường hợp như mày => măỳ, trầu => trâù… ?
- Tiếng Việt còn nhiều cặp nguyên âm kép khá cân bằng về độ dài và cường độ tương đối, rất khó nhận ra âm nào là chính, như -ia, -ưa, -ươ, -ua … thêm nữa tùy cách đọc từng địa phương và tùy thời đại mà có thể nguyên âm thứ nhất mạnh hơn (là âm chính) hay suy giảm (trở thành âm đệm). Như vậy, nếu yêu cầu phải đặt dấu trên nguyên âm chính thì sẽ rất khó cho người bình thường không có máy móc kỹ thuật đo đạc chính xác trường độ, cường độ, tần số âm thanh…?
Ngoài ra còn nhiều vấn đề về chính tả khác nữa, tạm dẫn ra một số:
- Phụ âm “Ph” có bật hơi thời Alexandre De Rhodes hầu như đã biến mất khỏi tiếng Việt, chuyển thành “F”, nên chính tả hiện đại đáng lý phải là “F” ?
- Âm đệm -o-, -u- thực chất chỉ là một, có thể viết là -w- ?.
- “Q” có nên viết là “K” không ?
- “Gi” có thể viết là “j”, “d” là “z”, “đ” là “d” .v.v. ?
So với các vấn đề “nằy” thì chuyện bỏ dấu trên các vần oa, oe, uy có vẻ là chuyện nhỏ, cuộc cải cách nửa vời về dấu trên các vần oa, oe, uy đã gây ra tình trạng hỗn loạn không đáng có cho chính tả tiếng Việt “thời @ ” ! Hơn nữa vấn đề truyền thống văn hóa cũng rất quan trọng, chữ quốc ngữ đã có lịch sử gần 500 năm, văn học viết bằng chữ quốc ngữ cũng đã có hơn một thế kỷ, nếu vứt bỏ để theo hệ thống chính tả mới, các tiểu thuyết, thi ca thời tiền chiến sẽ phải đem ra “phiên dịch” lại? Có lẽ lý do tương tự mới giải thích được vì sao người Anh, Mỹ không cải tiến chính tả tiếng Anh cho sát ngữ âm dù chính tả tiếng Anh đã nổi tiếng thế giới về lối viết một đằng, đọc một nẻo?
Vài lời cuối: đứng trên quan điểm người làm Tin học mà nói thì việc chỉnh sửa chính tả không phải là để tiện cho giới Tin học (như khi cần sắp xếp hay tìm kiếm theo vần chữ cái), ngược lại chính Tin học phải phục vụ cho việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt, nhận lấy phần khó trong tính toán xử lý, về mặt này thì nên nhìn vào tấm gương google, nó tìm kiếm rất thông minh, bất kể người dùng đánh theo kiểu chính tả nào, thậm chí dùng chữ không dấu cũng được. Vấn đề đưa các bộ kiểm tra chính tả vào các ứng dụng xử lý văn bản thì bên Mỹ (hãng Microsoft) đã thực hiện từ lâu như một việc tự nhiên phải làm, có điều khi chuẩn hóa chính tả tiếng Việt cần phân tích xử lý kỹ, phối hợp với các chuyên gia ngôn ngữ, chứ làm như kiểu cải cách chính tả trên các vần oa, oe, uy thì còn thiếu cơ sở lý thuyết và kém tính thuyết phục …
—-
[2] Tham khảo: http://www.baike.com/wiki/%E4%B8%8A%E5%8F%A4%E6%B1%89%E8%AF%AD
[3] Nhiều tác giả cho rằng thanh điệu tiếng Việt-Mường là tiếp thu từ nhóm Thái-Kadai, vì đa số các ngôn ngữ nhóm Môn-Khmer đến hiện tại vẫn chưa định hình thanh điệu.