GIỚI THIỆU MỘT BÀI CA TRÙ LẠ
Ca Trù vốn có nhiều điểm tương đồng với Ca Huế, đều là những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của VN, nhưng tài liệu sách vở ghi chép về Ca Trù có phần đầy đủ hơn Ca Huế, ở Thư viện Quốc gia có nhiều cuốn sách chữ Nôm về ca trù, cuốn có niên đại cổ nhất là Ca trù Thể cách in năm Tự Đức Canh Thìn (1880). Tôi xin giới thiệu với các bạn một bài Ca Trù khá hay và lạ, chưa hề thấy trong các tuyển tập thơ Ca Trù từng đọc.
Điệu “Cổ thư”:
Hơi kim he hé
Vừng quế chênh chênh
Giọt hàn sương lác đác ố chồi ngô
Da bích hán yên vân bày trận nhạn
Thoang thoảng vỉ trầm hun (x) kiếp
Chuyện Dương phi đêm thất tịch mơ màng
Nao nao doành Hán bắc cầu Ô
Duyên Chức nữ buổi sơ thu tập ngập
Quang cảnh ấy trăm chiều bát ngát
Nỗi niềm này chín khúc ngẩn ngơ
Ơ khi vui miệng khéo ra đò
Thanh sắc dám đâu chiều liễu yếu
Trộm thấy ghi lòng từ đấy
Vâng tài tình thương đến phận đào non
Bỗng nên dan díu sợi tơ hồng
Lọ phải hẹn hò thơ lá đỏ
Đêm phong vũ bỗng tri âm chợt thấy
Mừng mừng thẹn thẹn xiết bao tình
Thực Vị Trăn cành thược dược cùng trao
Nói nói cười cười khôn xiết kể
Tình tình nghĩa nghĩa, ái ái ân ân
Trăm năm chỉ núi thề sông
Treo mảnh tình soi vạn cổ
Ân ái mấy thu nhường ấy
Chữ kì phùng từ mộc thạch cự ra tình
Bỗng đông tây đôi ngả vì đâu
Nỗi biệt hận dấu cầm ngư đau muốn khóc
Con tạo khắt khe mới nhẽ
Ông tơ dở dói làm chi
Gối cô miên chênh nửa mảnh sương đầm
Hồn hồ điệp chập chờn năm trống thỏ
Lầu Dạ vũ lúc hạt mưa sa trước chái
Phách Ba tiêu lạp đạp dỗ ca buồn
Trướng thu phong khi bóng thỏ xế bên mành
Đàn tất suất nỉ non vời khúc nhớ
Dạo trước chái nghe hồi quốc đổ
Sợ đau lòng khách ngoảnh tai đi
Tựa bên màn ngắm đóa hoa rơi
Sực nghĩ duyên mình bưng mắt lại
Ấy nỗi tương tư sao xiết kể
Hỡi người tri kỉ có hay chăng
Ghi chú:
- Có 1 chữ đánh dấu (x) không rõ tự dạng nên không phiên âm được
- Ba tiêu là cây chuối, tất suất là con dế. quốc là chim đỗ quyên.
Vài nhận xét:
Bản ca trù này xem qua tưởng như thơ không liền vần, nhưng để ý kỹ thì thấy thơ dùng nhiều vần lưng (ẩn) và vị trí gieo vần không cố định. ngoài ra dùng nhiều thể văn đối biền ngẫu nên dù không liền vần nhưng vẫn rất giàu nhạc điệu.
Tác giả dùng nhiều hình ảnh ví von, tuy là những hình ảnh cách điệu, ước lệ thường thấy trong cổ văn, nhưng dùng từ rất mượt mà, khá nôm na mà lại chuẩn xác nên không có vẻ khuôn sáo như thường thấy: “Giọt hàn sương lác đác ố chồi ngô, Da bích hán yên vân bày trận nhạn”, “Bỗng nên dan díu sợi tơ hồng, Lọ phải hẹn hò thơ lá đỏ”, “Gối cô miên chênh nửa mảnh sương đầm, Hồn hồ điệp chập chờn năm trống thỏ”… Hình ảnh lại khá gần gũi với người Việt “Phách Ba tiêu lạp đạp vỗ ca buồn” – chỉ cần biết ba tiêu là cây chuối là cảm nhận được ngay hình ảnh một miền quê đất Việt. Một số câu phần nào đã vượt khỏi ước lệ thường thấy ở Ca trù để đạt tới nghệ thuật tả thực: “Trộm thấy ghi lòng từ đấy”, “Sợ đau lòng khách ngoảnh tai đi”, “Sực nghĩ duyên mình bưng mắt lại” …
Huế 11-2008
Hình chụp bản nôm (đã cắt dán trang để dồn vào 1 ảnh):