Vài ý kiến tải mạn về con ngựa trong nền văn hóa Việt Nam và nguồn gốc từ ngựa trong tiếng Việt
Trước tiên phải thấy rằng Ngựa là giống vật gốc gác từ các vùng thảo nguyên phương Bắc, nhưng xét thuần túy về mặt ngôn ngữ thì ít có khả năng từ “ngựa” đến từ nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng hay Thái Kadai, vì tiếng Tày và Thái Tây Bắc VN là hai nhóm Thái-Kadai lớn nhất có địa bàn cư trú tiếp giáp với người Việt đều gọi ngựa là “mạ” (người Thái VN vốn gốc từ Vân Nam xuống), nếu không kể thanh điệu thì “mạ” trùng hoàn toàn với con “mã” của nhóm Hán-Tạng, trong khi đó tiếng Việt lại đứng tách riêng hẳn thành 1 nhóm với từ “ngựa”. Người Việt vẫn hiểu từ “mã” của nhóm Hán-Tạng, ví dụ trong bộ bài Tam Cúc “tướng-sĩ-tượng-xe-pháo-mã-tốt” mà trẻ con cũng thuộc làu, nhưng từ “mã” không thay thế và lấn át được từ “ngựa”, từ “ngựa” vẫn đứng vững trong tiếng Việt trước các áp lực bủa vây khắp các phía là: áp lực đồng hóa của tiếng Hán từ phương Bắc trong trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, sự ảnh hưởng của nhóm Tày -Thái từ phía Bắc, phía Tây và Tây Bắc, và khả năng “tập kích” từ phương Nam của tiếng Chăm (Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, gọi con ngựa là “asaih”, khác hẳn tiếng Việt) …. đây là những điều cần suy nghĩ (!)
Do chưa tìm thấy răng ngựa trong các di chỉ văn hóa trước thế kỷ 2 trước công nguyên, trong khi con ngựa đã có mặt trên trống đồng Đông Sơn ngay thời đó (thời Tây Âu tức Âu Lạc của An Dương Vương), nên có thuyết cho rằng con ngựa mới du nhập vào VN từ thời An Dương Vương theo đường từ Vân Nam qua thung lũng sông Hồng. Nhưng khoảng thời gian vài chục năm cuộc “nam tiến” của nhóm An Dương Vương – Tây Âu (nhiều tác giả cho là nhóm này có gốc Thái-Kadai) khoảng thế kỷ 2 trước CN có lẽ chưa đủ dài để con ngựa từ một giống vật ngoại lai xa lạ trở thành một linh vật trên đồ đồng Đông Sơn ngay lập tức khi đó. Cũng có thể giả thuyết người Tây Âu (Tây Vu) đã có mặt ở đồng bằng Sông Hồng trước đó nhiều thế kỷ nữa, đến thời An Dương Vương thì đã đủ đông và mạnh để nắm quyền chỉ đạo thay cho nhóm dân cư cũ tức nhóm “Hùng Vương” trong sử Việt. Vả lại biên giới phía bắc của VN hiện nay mới định hình tương đối từ thời Đinh-Tiền Lê, nó không phải là mốc giới hạn cho sự giao lưu văn hóa – ngôn ngữ hơn 2 ngàn năm trước, lúc người Hán chưa tới thống trị vùng “văn hóa trống đồng” (hay có thể tạm gọi là văn hóa Lạc Việt).
Cho đến này nay ngựa vẫn là giống vật nuôi rất hiếm thấy ở các vùng đồng bằng VN, nhưng sự hiếm có này cũng như việc chưa tìm thấy răng ngựa ở các di chỉ khảo cổ VN với niên đại trước thế kỷ 2 TCN có vẻ không tương xứng với tầm vóc văn hóa mà con ngựa có trong nền văn hóa VN, chẳng hạn truyền thuyết Thánh Gióng đã đề cập đến ngựa sắt từ thời Hùng Vương thứ 6, ngang với thời nhà Ân ở Trung Quốc?
Một số cứ liệu ngôn ngữ, lịch sử :
1. Các từ song tiết chỉ con ngựa như bà-ngựa trong tiếng Việt, hay ma-ngơ trong một số ngôn ngữ họ hàng của tiếng Việt cho thấy khả năng “ngựa” là một từ gốc Mon-Khmer chứ không phải từ ngoại lai mượn của nhóm Miêu-Dao, Hán-Tạng hay Thái-Kadai.
Thơ quốc âm Nguyễn Trãi:
“Con đòi trốn, dường ai quyến.
Bà-ngựa gầy, thiếu kẻ chăn”.
2. Bản đồ các nền văn hóa cổ thời đồ đá mới ở Trung Quốc có ghi về văn hóa Lý Gia Thôn (khoảng 7000 năm trước) như sau:
- Về khu vực ghi là trải dài từ Tần Lăng (Thiểm Tây) về phía Nam xuống đến nam Vân-Quý (Vân Nam-Quý Châu), tức là tiếp giáp tới miền Bắc Việt Nam.
- Về nhân quần ghi là “Mạnh Cao Miên tộc quần hướng Tạng Miến tộc quần quá độ đích nhân quần” tức gốc ban đẩu là Mon-Khmer sau chuyển hóa thành Tạng Miến. Halogroup là O2-O3 [B].
Nếu thông tin này là đúng thì nhóm Môn-Khmer đã từng có mặt ở tận Thiểm Tây, trong lưu vực Hoàng Hà, nên không thể bảo rằng vì Môn-Khmer ở phương Nam nên không hề biết đến con ngựa của phương Bắc, và không có từ riêng của họ để chỉ con ngựa.
3. Mở cuốn “Đồng-Thái ngôn ngữ dữ văn hóa” (Lý Cẩm Phương, Dân tộc xuất bản xã, Bắc Kinh – 2002) có đoạn viết về từ ngựa (mã 馬/马) trong nhóm Đồng-Thái, xem hình:
Tra trên bản đồ Google thì Lang Giá 郎架 ở Quý Châu, còn Ba Cáp 巴哈 ở phía bắc tỉnh Quảng Tây, sát gần địa giới tỉnh Quý Châu chứ không gần biên giới Việt Nam, cả hai vùng này đều khá xa với vùng đồng bằng sông Hồng vốn được coi là đất bản bộ của người Việt, vậy mà lại gọi con ngựa là “nga” rất giống người Việt ! Vậy đâu là lời giải thích ? [C]
4. Truyền thuyết về gốc gác người Việt ở vùng hồ Động Đình “nam tiến” tới vùng đồng bằng sông Hồng cho đến nay chưa có các cứ liệu nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng [xem ghi chú A] . Nhưng ngược lại, cũng chưa có chứng minh nào có thể nói là tuyệt đối chính xác rằng: Truyền thuyết về thời đại Hồng Bàng (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương…) ghi trong sử Việt (cụ thể là Đại Việt sử ký Toàn thư) là do bọn “hủ nho” Việt “ăn cắp” mấy truyện truyền kỳ vớ vẩn trong sách Tàu ghi vào chính sử. Nếu truyền thuyết này có phần nào sự thật thì nó có thể là lời giải thích cho thắc mắc ở đoạn trên chăng ?
==
Ghi chú
[A]:
Cứ liệu khảo cổ về khu mộ Mán Bạc (niên đại khoảng 3800 năm trước ở Yên Mô, Ninh Bình) có cả xương cốt loại hình Mongoloid (phương Bắc) lẫn loại hình Australoid (phương Nam), nhưng có thể có cách giải thích khác chứ không liên quan gì tới cuộc nam tiến của nhóm thị tộc Lạc Long Quân từ hồ Động Đình xuống phía Nam ?
[B]
Halogroup là phương pháp phân loại nhóm nhân chủng theo các đặc điểm biến dị trên nhiễm sắc thể, như nhiễm sắc thể Y-ADN ở đàn ông.
[C]
Có thể tham khảo thêm loạt bài về nguồn gốc 12 con giáp có thể gốc từ tiếng Việt của tác giả Nguyễn Cung Thông, chẳng hạn:
http://khoahocnet.com/2014/01/27/nguyen-cung-thong-nguon-goc-viet-nam-cua-ten-goi-12-con-giap-ngo-ngua-13a/
Lưu ý: người viết chưa hề có ý kiến khẳng định hay bác bỏ thuyết của Nguyễn Cung Thông, chỉ đơn thuần là dẫn nguồn tư liệu.
(Visited 160 times, 1 visits today)