VỀ ĐỊA DANH LANG GIA VÀ CHUYỆN VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN THIÊN ĐÔ TỚI LANG GIA
Trong khi tìm hiểu vấn đề chữ Lang 郎 có nghĩa là “làng”, người viết nhiều lần bắt gặp một địa danh khác là Lang Gia 琅邪, cũng đọc Lang Da, ngày nay thường viết là 琅琊, là một địa danh cổ ở phía Nam tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, ở vùng ven biển gần thành phố Thanh Đảo:
https://baike.baidu.com/item/%E7%90%85%E9%82%AA
Điều đáng lưu ý là địa danh này gắn với chuyện vua nước Việt là Câu Tiễn [1] đã (hay có dự định) thiên đô tới đây. Theo sách Việt Tuyệt thư :《越绝书》:“勾践大霸称王,徙琅琊都也。” [Việt Tuyệt thư ] : Câu Tiễn đại bá xưng vương, tỉ Lang Gia đô dã (Câu Tiễn làm bá chủ, xưng vương, dời đô tới Lang Gia)
Điều đáng bình luận là tại sao Câu Tiễn quyết định bỏ vùng đất bản bộ thân thiết là đất Cối Kê [2] nơi từng “nằm gai nếm mật” để vượt sông Trường Giang đến một nơi xa lạ, khá xa về phía bắc của Cối Kê để định đô ? Phải chăng chỉ để thuận tiện cho việc tranh bá đồ vương hay còn lý do nào khác? Lý do khác đó là gì ? Nếu để ý rằng vùng Sơn Đông vốn là đất Đông Di, không phải đất Hán tộc gốc, thì cần nghĩ đến khả năng đó là đất cũ của người Việt chứ chẳng phải nơi xa lạ gì cả, đơn giản là Câu Tiễn chỉ thiên đô về đất cũ mà thôi ! Địa danh Lang Gia này cũng gần với Thành Lang ở nước Lỗ mà người viết đề cập ở bài trước, nhưng chếch về phía bờ biển.
Vết tích phi Hán tộc của tên Lang Gia 琅邪 nằm trong chính chữ viết tên của nó, vì chữ Gia 邪 còn có âm là “Tà” mang nghĩa rất xấu (gian tà, tà ma), khiến người Hán sau này phải đổi ra 琅琊 (giữ âm Lang Gia, nhưng thêm bộ ngọc vào chữ Tà cho đẹp nghĩa). Khả năng đây là chữ ghi âm tiếng nói của một tộc khác, giống như trên thanh kiếm cổ Câu Tiễn lại ghi tên là Cưu Thiển (鳩淺), thiển là nông cạn, hạn hẹp, nghĩa không hay ho gì.
Bây giờ giả định đó là tên được đặt ra bởi nhóm người Bách Việt nói ngôn ngữ Nam Á (mà đại biểu lớn nhất hiện nay là nhóm Việt-Mường) thì việc tìm hiểu ý nghĩa của nó dựa theo tiếng Việt (Kinh) sẽ chẳng có gì là điên rồ hay phản khoa học:
Chữ Lang 琅 theo trang www.vividict.com vốn đồng với các chữ lang 郎, 瑯, 廊 và cả chữ lương 良 nữa, đều chỉ cái hành lang bên cung điện. Mà “Lang 郎” tức là “làng” như người viết đã tìm hiểu và phân tích. Còn chữ Gia 邪 nghĩa là gì ? Trong khi tìm hiểu chữ này người viết để ý đến một chữ “gia 爺” khác vốn nghĩa là “cha, bố”, dạng cổ văn của nó dùng chính chữ “tà 邪” làm bộ phận biểu âm chứ không phải chữ da 耶 như chữ viết hiện đại, như hình sau:
Vậy phải chăng Lang Gia 琅邪 là “Làng Cha” tức làng gốc, làng chủ của một quần thể dân cư Việt nào đó ? Mô thức kết cấu tên này khá giống với tên Cổ Loa hay Khả Lũ, kinh đô cổ của nước Âu Lạc mà Giáo sư Trần Trí Dõi giải là “Kẻ Chủ”, kẻ cũng là từ chỉ địa danh như làng.
Khả năng chữ Gia 爺 nghĩa là cha vốn không phải là từ gốc của Hán tộc, vì Kinh Thi không có, sách Thuyết Văn cũng không ghi nhận. Chữ này có lẽ chỉ mới xuất hiện trong Hán ngữ sau đời Tần, khi Hán tộc đã chiếm được vùng Nam Trường Giang của nhóm Bách Việt. Có khả năng từ “cha” của người Việt hiện nay và từ “gia 爺” của nhóm Bách Việt vùng Trường Giang vốn ngày xưa cùng một gốc, vì quan hệ giữa phụ âm gi- và ch- là khá gần chẳng hạn chữ Nôm dùng chữ triều “朝” ghi âm “chào”, “chầu”, đồng thời cũng là biểu âm của chữ “giàu”, chữ hán chủng 種 lại có nghĩa Nôm là giồng, trồng v.v.
Tên chim chá cô 鷓鴣 (chim ngói, gà gô, còn có sách giải là chim đa đa), nhiều từ điển ghi cả hai âm đọc chá cô và giá cô, cũng cho thấy cách đọc “gia 爺” thành “cha” ở người Việt là bình thường.
GHI CHÚ:
[1] Câu Tiễn, 勾踐 vua nước Việt cổ ở khu vực cửa sông Trường Giang, trị vì 496 TCN – 465 TCN.
[2] Cối Kê gần thành phố Thiệu Hưng hiện nay, ở phía nam sông Trường Giang, cũng gần thành phố Hàng Châu đối diện phía bắc Trường Giang.
(Bài đã đăng Văn Hóa Nghệ An, nhưng trang đó bị lỗi mất đoạn cuối :
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/ve-dia-danh-lang-gia-va-chuyen-viet-vuong-cau-tien-thien-do-toi-lang-gia )