Hương giang thu vịnh
Hương giang thu vịnh
(phỏng điệu Ca trù)
落 霞 與 孤 鶩 齊 飛
秋 水 共 長 天 一 色
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc
Cảnh Hương giang khen ai khéo đặt
Chốn thị thành ngoảnh mặt thấy thiên thai
Sớm Văn Lâu nắng nhạt sương mai
Chiều Bảng Lãng mù giăng bến cũ
Gà Long Thọ ngóng tiếng chuông Thiên Mụ
Ngược Kim Long thuyền đỗ bến Tuần
Xuôi Trường Tiền, Vĩ Dạ, Bao Vinh
Suốt một dải nước trời man mác.
Lâu đài điện các, gác phượng lầu son,
Đã xa rồi. Thành cổ rêu phong
Còn ở lại, giữa dòng xanh ngăn ngắt
香 江 一 片 月
今 古 許 多 愁
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
Học người xưa: thơ túi, rượu bầu
Họp bạn cũ khề khà đôi chén
Thuyền du khách ngọn lan vừa bén
Ánh lập lòe như tỉnh như mơ
Hương giang chảy mãi dòng thơ.
Huế. Noel 2005
Phiếm đàm về “òa” và “oà”
Và đây là kết quả:
Khoảng 23.500.000 kết quả (0,22 giây) cho “hòa bình”
Khoảng 8.780.000 kết quả (0,27 giây) cho “hoà bình”
Khoảng 6.970.000 kết quả (0,21 giây) cho “thỏa mãn”
Khoảng 2.860.000 kết quả (0,23 giây) cho “thoả mãn”
Khoảng 1.400.000 kết quả (0,15 giây) cho “giải tỏa”
Khoảng 1.440.000 kết quả (0,22 giây) cho “giải toả”
Khoảng 1.770.000 kết quả (0,27 giây) cho “khỏe mạnh”
Khoảng 1.990.000 kết quả (0,28 giây) cho “khoẻ mạnh”
Khoảng 576.000 kết quả (0,33 giây) cho “tung tóe”
Khoảng 224.000 kết quả (0,36 giây) cho “tung toé”
Khoảng 565.000 kết quả (0,34 giây) cho “mánh khóe”
Khoảng 135.000 kết quả (0,27 giây) cho “mánh khoé”
Khoảng 1.890.000 kết quả (0,16 giây) cho “tùy ý”
Khoảng 452.000 kết quả (0,40 giây) cho “tuỳ ý”
Khoảng 165.000 kết quả (0,27 giây) cho “thành lũy”
Khoảng 92.800 kết quả (0,34 giây) cho “thành luỹ”
Khoảng 437.000 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tụy”
Khoảng 94.800 kết quả (0,32 giây) cho “tiều tuỵ”
Khoảng 80.700 kết quả (0,22 giây) cho “túy lúy”
Khoảng 26.000 kết quả (0,29 giây) cho “tuý luý”
Khoảng 246.000 kết quả (0,22 giây) cho “lũy kế”
Khoảng 386.000 kết quả (0,36 giây) cho “luỹ kế”
Chịu khó phân tích thấy cũng có nhiều thông tin từ các con số khô khan của Google:
1. Các từ càng phổ thông, càng có xu hướng viết kiểu cũ như “hòa bình”, “thỏa mãn”… Các từ ít phổ thông có lẽ khiến người viết phải cân nhắc lại chính tả khi viết nên xu hướng viết kiểu mới lại thắng thế như “giải toả”…
Tuy nhiên, cũng có người đưa ra ý kiến cho rằng “Không phải vậy, người ta quen viết kiểu cũ, viết kiểu mới là vì từ thời máy tính được dùng phổ biến thay máy chữ soạn thảo văn bản, thì các bộ gõ bị đặt mặc định kiểu gõ mới, nên họ buộc phải theo thôi, quay lui sửa mệt chứ không phải thích kiểu bỏ dấu mới! Chẳng hạn nếu không bật về kiểu gõ cũ thì khi muốn gõ “hòa” sẽ phải gõ “hò a” có dấu cách ở giữa, rồi quay lui 1, xóa dấu cách, rồi lại tiến lên 1, tính ra phải thêm đến 4 lần bấm phím”
2. Chịu khó xem viết trong văn bản nào, có thể thấy các tác phẩm văn học thường in theo kiểu cũ
3. Các từ thuộc nhóm KHXH thiên về kiểu cũ (75% cho túy lúy)
4. Các từ nhóm KHKT lại nghiêng theo kiểu mới (61% cho luỹ kế)
5. Xu hướng viết cân đối mỹ thuật vẫn còn nhiều người ủng hộ: kết quả về tiều tụy/tiều tuỵ ở trên cho thấy rõ là khi kiểu viết mới mất cân đối rõ rệt thì tỷ lệ ủng hộ rất thấp (chỉ có 18% cho tiều tuỵ). Khi cắt khẩu hiệu, băng rôn treo ngoài đường phố thì chữ rất to, vấn đề cân đối cũng thấy rõ nên xu hướng chọn kiểu viết cũ cũng thắng thế, xem dạng font cỡ lớn ở dưới sẽ hiểu:
HÒA , HOÀ
Với tình hình khảo sát thống kê ở trên, người viết trộm nghĩ giá hồi xưa người ta đừng đứng ra phát động cuộc cải cách về dấu trên các vần oa, oe, uy thì biết đâu chính tả tiếng Việt bây giờ sẽ đỡ lộn xộn hơn? Người viết từng có dịp trao đổi với cụ Nguyễn Tài Cẩn, GS đầu ngành ngôn ngữ học của Việt Nam. Khi nhắc tới vấn đề này, thì thấy GS có vẻ không quan tâm và không bình luận đúng sai gì cả. Cá nhân người viết cho rằng đặt dấu trên nguyên âm chính có vẻ “khoa học” hơn, nhưng những người đặt dấu trên âm đệm -o-, -u- cũng có cái lý của họ (mà không cần viện dẫn lý do “cân đối”, “mỹ thuật” đâu nhé).
Vấn đề là, thanh điệu vốn là thuộc tính của cả từ chứ không phải là “độc quyền” của nguyên âm chính. Do quán tính vật lý của bộ máy phát âm nên khó có thể ngay lập tức thay đổi cao độ của từ chỉ trong khoảng thời gian ngắn của âm chính, nên các âm đệm trước (-o-,-u-) và sau âm chính (như -i ở vần -ai, -oi) ít nhiều cũng tham gia vào việc thể hiện thanh điệu. Ngay cả phát âm các phụ âm cuối cũng có thể biến đổi ít nhiều phụ thuộc vào thanh điệu cả từ.
Có lẽ những người phát minh dấu điện tín tiếng Việt (telex) cũng đã nắm khá rõ vấn đề này nên quy tắc điện tín chuẩn thời xưa là bỏ dấu (f,j,r,s,x) ở cuối từ, chứ không phải đính sau một nguyên âm nào cả. Người viết nhớ, khi nhóm cải cách muốn “giác ngộ” quần chúng, họ đã yêu cầu thử đọc tách rời hò-a và ho-à để xem cách nào sát âm “hòa” hơn… Quả thực ho-à sát hơn, nhưng cách làm đó chưa công bằng, vì tách âm đúng hơn nữa phải là hò-à, dấu không thuộc riêng một nguyên âm nào.
Như vậy viết “hòa” theo kiểu cũ, cho dấu nằm ngay giữa từ, chính là để nhắc người đọc rằng dấu thanh vốn thuộc về cả từ, cũng có logic lắm chứ? Nếu thực sự cần phát động một cuộc “cách mạng chữ viết” thì còn rất nhiều cái đáng phải sửa chữa hơn là quy tắc bỏ dấu trên 3 vần đó. Chẳng hạn:
- Trong các vần -ay, -au thì “a” là nguyên âm a ngắn, chính tả thông thường viết là “ă”. Như vậy tau, say, mày, mau… phải viết tău, săy, mằy, mău… Khi đọc thấy điều “nằy” trong cuốn giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Cẩn, người viết rất bất ngờ, té ra lâu “năy” mình dốt.
- Trong các vần -ay, -au khó nhận ra nguyên âm nào là âm chính, nhưng dựa vào các ví dụ như ni = nay, thu = thâu thì lại có thể cho rằng âm chính là -y và -u? Như vậy, nếu theo logic dấu phải đặt trên âm chính thì lại phải sửa thêm rất nhiều trường hợp như mày => măỳ, máu => măú…
- Tiếng Việt còn nhiều cặp nguyên âm kép khá cân bằng về độ dài và cường độ tương đối, rất khó nhận ra âm nào là chính. Như vậy, nếu yêu cầu phải đặt dấu trên âm chính thì sẽ rất khó cho người bình thường không có máy móc kỹ thuật đo đạc chính xác trường độ, cường độ, tần số âm thanh…?
- Phụ âm “Ph” có bật hơi thời Alexandre De Rhodes hầu như đã biến mất khỏi tiếng Việt, chuyển thành “F”, nên chính tả hiện đại phải là “F”.
- Âm đệm -o-, -u- thực chất chỉ là một, có thể viết là -w- . Nhưng trong một số vần như -oi , -ui thì -o-, -u- lại là âm chính chứ không phải âm đệm, nên nếu cải cách thì có lẽ vấn đề sẽ rất phức tạp, bởi tùy địa phương và thời đại mà có thể nguyên âm thứ nhất mạnh hơn (là âm chính) hay suy giảm (trở thành âm đệm).
- “Q” nên viết là “K”?
- “Gi” có thể viết là “j”, “d” là “z”, “đ” là “d” .v.v…
- So với các vấn đề “nằy” thì chuyện “òa”, “oà” là chuyện nhỏ, nhưng nói ra cũng dễ bị… “chọi đá”. Đã làm cách mạng thì phải triệt để. Cuộc cải cách nửa vời nói trên đã gây ra tình trạng hỗn loạn không đáng có cho chính tả tiếng Việt thời @!
Nhân tiện bàn thêm: Vấn đề truyền thống văn hóa cũng rất quan trọng. Chữ quốc ngữ đã có lịch sử gần 500 năm, văn học viết bằng chữ quốc ngữ cũng đã có hơn một thế kỷ, nếu vứt bỏ để theo hệ thống chính tả mới, các tiểu thuyết, thi ca thời tiền chiến sẽ phải đem ra phiên dịch lại? Có lẽ lý do tương tự mới giải thích được vì sao người Anh, Mỹ không cải tiến chính tả tiếng Anh dù chính tả tiếng Anh đã nổi tiếng thế giới về lối viết một đằng, đọc một nẻo?
Góp thêm một ý về quốc hiệu “Đại Cù Việt”
Đọc bên trang [nguyenxuandien.blogspot.com] thấy có bài bình luận của một vị nặc danh tự xưng học trò GS Cẩn: “So bài Trần Trọng Dương với bài cụ GS Nguyễn Tài Cẩn thì bài cụ Cẩn hóa ra buồn cười. Hậu sinh khả úy là vậy đấy. Tôi đích thực là học trò cụ, tôi đặc biệt kính trọng cụ nhưng tôi quá mừng vì lớp chắt chút chít của cụ đã trưởng thành như thế này đây.”
Tai hạ biết cụ Cẩn rất khuyến khích học trò và hậu bối có các ý tưởng phản biện lại mình, nên thấy dùng chữ “buồn cười” rất chi là không ổn ! Cá nhân tại hạ không thấy bài của cụ Cẩn buồn cười chỗ nào cả, [đọc bài (sorry, blog của bác nguyenxuandien đã bị gỡ bỏ)]
Sau đây là dữ liệu về một dạng phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ của chữ Việt 越 theo Karlgren là *gḭwăt:
(Nguồn:中上古汉语音的纲要、 高本汉、 齐鲁书社、 济南。 1987)
Dạng ký âm phức tạp này cho thấy giả thuyết của cụ Cẩn cho Cù Việt là cách đọc rời các âm tiết cu (biến ân từ gḭ) và việt (biến âm của wăt) của chữ Việt là có căn cứ ngữ âm học lịch sử, được quốc tế nhìn nhận, chứ không phải là những phát biểu cảm tính dựa trên tình cảm dân tộc. Hơn nữa nó cũng không mâu thuẫn gì với viên gạch đào được ở thành cổ Hoa Lư có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, vì “Cù Việt” cũng chỉ là “Việt”, trong khi các thuyết cho “cù” là Cù Đàm (nước Phật giáo), hay “Cù là cồ, là lớn” đều bị viên gạch này phủ nhận.
(mạn phép bác ĐT trên diễn đàn viethoc.org, xin dẫn lại link ảnh):
Tiện đây thử tìm hiểu thêm về âm cổ của chữ Việt 越, thật bất ngờ, té ra không phải tìm đâu xa cả, nó vẫn được bảo lưu khá trọn vẹn trong tiếng Việt là “vượt”, xin xem bảng sau, là kết quả phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ của các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Karlgren, Vương Lực, Baxter:
Chữ Hán | Karlgren | Vương Lực | Baxter | Cổ Việt | Hán Việt (Đường âm) | pinyin |
戉 | gi ̯wa ̆t | ɣiuat | wjat | vớt | việt | yue4 |
越 | gi ̯wa ̆t | ɣuat | wat | vượt | việt | yue4 |
Các chữ “vớt”, “vượt” tưởng chỉ là những từ ngữ “Nôm na là cha mách qué” đó lại gần với âm cổ xưa của các chữ 越, 戉 theo Baxter .
Phụ âm đầu thì có thay đổi ít nhiều, nhưng phần vần (ət/i ̯ət) thấy rõ ràng là tiếng Việt còn giữ gần âm thượng cổ hơn so với âm trung cổ Hán (Đường âm=ɣiuet=việt), còn âm Hán ngữ hiện đại (Pinyin=yue4) đã biến đổi quá xa khó mà nhận ra nguồn gốc.
Cá nhân tại hạ cũng từng đưa ra trên diễn đàn viethoc.org một giả thuyết: “cù” tức là “cổ” hay “kẻ” thường đứng trước địa danh của người Việt, như câu “bang kỳ Kẻ Chợ khỏe bền muôn thu” trong Chỉ Nam Ngọc Âm. Cù đóng vai trò chữ “quốc” hay “nước” trong tổ hợp 3 “Đại Cù Việt” nên cũng không mâu thuẫn với 3 chữ “Đại Việt quốc” trên viên gạch Hoa Lư. Tuy nhiên tại hạ tự cảm thấy giả thuyết của mình vẫn còn còn thiếu nhiều căn cứ.
Cù, cổ, kẻ, gia … là những chữ thường đứng đầu địa danh trong các ngôn ngữ của các nhóm tộc Lạc Việt (ngoài người Việt-Kinh thì Lạc Việt còn có Tày Nùng, Choang, Lê, và cả Di Bộc ở tận Quý Châu …). Xin trích thông tin trong cuốn sách “Đồng-Thái ngữ ngôn dữ văn hóa”, Lý Cẩm Phương, Dân tộc xuất bản xã, Bắc Kinh, 2002. Trang 289 -290 :
(Lược dịch:)
[… Các từ chỉ địa danh Câu (cẩu ), Cô, Giao phân bố khắp cả đông tây của đất Bách Việt như: Câu chương, Câu dung, Câu ngô, Câu vô, Câu dịch, Câu dương, Câu Dũng đông, Câu dư chi, Câu đinh, Cô hùng di, Cô phát nhiếp phản, Cô mạc, Cô hạ, Cẩu lậu, Cô tô, Cô tăng, Cô miệt, Giao chỉ.
Các chữ đầu địa danh có lúc có thể tỉnh lược, như Câu Dịch, Câu Dũng Đông cũng viết Dịch, Dũng Đông, điều này cho thấy chữ “câu” là chữ đặc trưng để chỉ tên. Các chữ chỉ tên này có âm thượng cổ Hán ngữ là : câu=ku9, cẩu=*kugx , cô=*kag, giao=*kragw. Các chữ đó đều thuộc Kiến mẫu (見), có vận bộ gần nhau, nên âm đọc rất gần, đều là chữ ghi âm tên chỉ làng xóm trong các nhóm Bách Việt.
…
Tiếng Ngật Ương còn bảo lưu khá nhiều thành phần Đồng Thái ngữ cổ xưa, tiếng Ngật Lão trong địa danh cũng thêm tiền âm “qă”. Như An Thuận ở Quý Châu có “qɒ33ɳtçi 13” (Loan tử trại), ở Bình Bá có qɒ33mpau73 (Cẩu trường). Các âm câu, cô, giao với ka, qă khá gần nhau, chính là ghi âm của từ đầu chỉ địa danh vùng Bách Việt (chủ yếu là tên xóm làng).
Giao Chỉ 阯 về sau viết Giao Chỉ 趾, người xưa nhìn chữ mà sinh nghĩa, nên nói “Người phươngNam, ngón chân cái cong vẹo, khi đứng thẳng thì các ngón chân này giao nhau, nên thành danh !”. Phạm Thành Đại đời Tống trong “Quế hải ngu hành chí” từ rất sớm đã phê phán, bác bỏ cách giải thích này. Sau đời Hán tại quận Giao Chỉ cũ từng lập các huyện Giao Hưng, Giao Cốc, chữ Giao đó vẫn là theo từ đầu địa danh trong tiếng Bách Việt mà ra.
Câu còn dùng làm từ đầu trong tên người vùng Bách Việt, như: Câu Tiễn, Câu Dư. Các từ này với các từ chỉ địa danh vốn bất đồng. Đồng Thái ngữ có một số danh từ chỉ người mà chữ đầu có âm gần với “câu ”. Chẳng hạn như: Mao Nam có từ ka6laau4 (trượng phu ), Thuỷ có qa3man1 (tha môn ), Ngật Lão có qɒ3tau5 (nam nhân ), qɒ33ʐɒ13 (nữ nhân ). Chữ “câu” ở đầu các tiếng chỉ người này có khả năng liên quan với các từ chỉ tên người, chính là chữ thường đặt ở đầu tên người trong Bách Việt ngữ …]
Như thế các địa danh bắt đầu bằng tiếng Kẻ (như Kẻ Chợ), Cổ (như Cổ loa) có mặt dày đặc trên vùng đồng bằng bắc Bộ và Thanh Hóa, đều có quan hệ với các âm cô, cẩu, giao, gia… của các nhóm tộc Choang, Di ở TQ.
* Đặc biệt chú ý câu của Lý Cẩm Phương: “Các chữ đầu địa danh có lúc có thể tỉnh lược, như Câu Dịch, Câu Dũng Đông cũng viết Dịch, Dũng Đông, điều này cho thấy chữ “câu” là chữ đặc trưng để chỉ tên”. Như thế thì Cù Việt cũng có thể đọc ngắn gọn là Việt, cũng có nghĩa là viên gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” không bác bỏ được khả năng tồn tại của tên “Cù Việt” , “Cồ Việt”.
* Ghi chú : Gần đây tại hạ có đọc một tài liệu (sơ suất quên ghi lại link) thì được biết cụ Hoàng Xuân Hãn cũng theo giả thuyết cù là một chữ chỉ địa danh như cổ, kẻ …
* Vài địa danh lấy từ diễn đàn VVH: http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,46613
KẺ: Kẻ Chợ là Hà Nội … và thêm Kẻ Mơ, Kẻ Nọ, Kẻ Nú, Kẻ Sặt, Kẻ Sắt, Kẻ Sở, Kẻ Vồi …
CỔ: Cổ loa, Cổ Pháp, Cổ Đô (làng Giả Quỳnh hay Quỳnh Đô, Thường Tín, Hà Nội), Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ), Cổ Tiết (Làng Rét, Quỳnh Phụ, Thái Bình), Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định), Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội), Cổ Phúc (Trấn Yên, Yên Bái)….
Xem thêm bản đồ sau để thấy “kẻ” nhiều thế nào khắp đồng bằng sông Hồng: