CHÚC MỪNG BÁC KHÚC THẦN
Được tin bác Khúc Thần cưới vợ ngày hôm nay 28/12/2013, tiếc là tại hạ bận công việc không ra Hà Nội dự lễ được.
Xin gởi lên đây vài dòng chúc mừng:
Mừng song song hỉ:
Vừa nhận tin mừng Duy Thắng cưới
Bỗng thêm báo hỉ Khúc Thần thơ
Gác Đằng phút chốc duyên về bến
Lân chỉ ngày sau phúc cập bờ
Quân tử hữu tài âu phải trọng
Giai nhân giá ngọc vẫn hằng chờ
Nay mừng hai bác song song hỉ
Hẹn dịp bầu nghiêng dốc túi thơ.
(Tặng hai người bạn ở Hà Nội vừa cưới vợ)
==
Ghi chú: Duy Thắng là người bạn chung của tại hạ và bác Khúc Thần, là kỹ sư trưởng xây cây cầu Rồng mới ở Đà Nẵng.
Xem : [laodong.com.vn]
Những thông điệp từ quá khứ
(TTH) – Sắc phong là một nhóm tài liệu có giá trị trong hệ thống các loại văn bản Hán – Nôm của làng xã và họ tộc, đó là một loại hiện vật gốc đặc biệt quý hiếm (nói theo ngôn ngữ bảo tàng học), là tư liệu địa chí quý hiếm (nói theo ngôn ngữ thư viện học), là một loại cổ vật đặc biệt do có tính chất độc bản và là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện. Ngoài một số sắc phong làm chất liệu vải – lụa, chủ yếu là chất liệu giấy – giấy sắc, giấy long đằng.
Từ năm 2009 đến 2013, Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, số hóa được gần 105 ngàn trang tài liệu Hán – Nôm tại 26 làng với 116 dòng họ và gia đình, 12 phủ, trong đó có hàng ngàn sắc phong, chế.
Một nghề truyền thống
Theo một số tài liệu, thư tịch, nghề làm giấy sắc phong – giấy long đằng xuất hiện từ thời chúa Trịnh Tráng cách đây khoảng hơn 300 năm, là nghề độc quyền của họ Lại làng Nghè, tổng Bưởi, phủ Hoài Đức, Hà Tây (nay là phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). Hàng năm, họ Lại cung cấp cho triều đình khoảng 2.000 tờ giấy sắc vàng, dùng làm sắc phong ban cho bách quan, bách thần đất Việt.
Sắc phong được lưu giữ tại một tư gia |
Theo các cụ tổ của dòng họ Lại Nghĩa Đô, dưới các triều đại nhà Nguyễn, triều vua Khải Định sử dụng giấy sắc nhiều nhất, tính riêng năm tổ chức “Tứ tuần đại khánh” đã sử dụng đến 10.000 tờ. Có thể mẻ giấy sắc vàng làng nghề cuối cùng được sản xuất vào giữa năm 1944, và nghề làm giấy sắc làng Nghè cũng gần như thất truyền từ đó. Để sản xuất một tờ giấy sắc vàng là một công việc khó nhọc, trăn trở với sự lao động cần cù đầy sáng tạo của những nghệ nhân.
Nguyên liệu chính làm giấy sắc phải chọn lựa cây dó mọc ở hai bờ sông Thao (Phú Thọ) gọi là dó Thao và trải qua nhiều công đoạn như: ngâm nước lạnh và nước vôi, sau đó cho vào vạc nấu chín bằng hơi, ngoài một số công đoạn thông thường, giấy sắc còn phải thêm một số kỹ thuật khác như bóc uốn, nghè bồi keo, nhuộm vàng, vẽ hoa văn… Ngoài mặt kỹ thuật cầu kỳ độc đáo, loại giấy này còn rất đẹp. Hai mặt của đạo sắc với những nét vẽ có vàng, bạc tô điểm óng ánh lúc mềm mại, khi bay bổng. Khâu vẽ thể hiện sự tinh sảo của nghề. Người giỏi – thợ chính thì vẽ “chạy”, thợ kém hơn hay mới học việc thì vẽ “đồ” (tức theo nét “chạy” mà tô kim nhũ, vàng bạc). Nguyên liệu dùng để vẽ lên mặt giấy là các nguyên liệu hiếm quý: vàng, bạc nguyên chất và kim nhũ. Giấy sắc vì thế rất quý hiếm, hình thức màu sắc lại đẹp, không phai. Vì vậy, còn được gọi là giấy Kim Tiên. Nghệ nhân làm giấy sắc luôn giữ bí quyết kỹ thuật “đánh vàng, đánh bạc” tạo màu vẽ. Để làm công việc này họ thường làm ở những nơi kín đáo nhất trong nhà (gầm bàn thờ), nhằm tránh người ngoài học lỏm. Vì vậy, một tờ giấy sắc vàng sau khi hoàn thành có giá 1 lượng vàng dưới các triều đại nhà Nguyễn.
Lịch sử, văn hóa
Sắc phong có tên gọi đầy đủ là đạo sắc phong, bao gồm sắc phong chức tước cho quý tộc, quan chức của các vương triều và sắc phong thần do nhà vua phong tặng cho các vị thần được thờ ở trong đình, đền, miếu, từ đường…
Sắc phong trước tiên là một văn bản hành chính của nhà nước phong kiến, đứng đầu đại diện là nhà vua, ban thưởng khen ngợi cho những nhân vật có những đóng góp cho làng xã, đất nước. Những nhân vật được ban tặng sắc phong có thể là nhân thần (những người khi còn sống đã có công trạng, được làng xã thờ tự, suy tôn như thần) hoặc thiên thần, thiên nhiên thần được làng xã thờ vọng. Sắc phong truyền tải cho các thế hệ sau thông tin tư liệu trung thực về tên, tuổi, công trạng của một số nhân vật lịch sử như: quê quán, công tích. Mặt khác, sắc phong còn chứa đựng một số thông tin có thể bổ sung thêm những thiếu sót, sai lệch về lịch sử làng, xã và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian. Qua sắc phong, người ta có thể biết thêm những thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Niên đại trên văn bản sắc phong Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng trong việc xác định mốc thời gian của việc ban cấp sắc phong, đồng thời thông qua niên đại có thể biết được những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong khoảng thời gian đó. Niên đại trên sắc phong khẳng định giá trị của toàn bộ văn bản sắc phong, giúp các nhà nghiên cứu truy nguyên lại được nguồn gốc lịch sử của văn bản và các vấn đề có liên quan đến văn bản sắc phong đó. Như vậy, nghiên cứu sắc phong có thể cho ta những hiểu biết quý giá về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian.
Nghệ thuật dân tộc
Trang trí sắc phong in đậm dấu ấn tạo hình nghệ thuật của thời kỳ lịch sử tương ứng với thời gian ban hành sắc phong, đồng thời thể hiện sự sáng tạo và bàn tay kheo léo của các nghệ nhân xưa. Hoa văn hoạ tiết nền, màu sắc trên các sắc phong hết sức phong phú và đa dạng, đặc biệt là hình tượng rồng chủ đạo trên nền sắc phong, chúng luôn mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của từng thời đại trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam như: long vân, long cuốn thuỷ, long cuốn hoả chầu vào một vòng tròn tượng trưng cho mặt trời… tiếp đến là các hình tượng thuộc tứ linh như lân, quy, phượng hoặc hình cuốn thư, lá ba tiêu có dải tua cuốn, sách, hình chữ thọ cách điệu. Đặc biệt, trong tạo hình mỹ thuật các hình tượng trang trí này giữa các triều đại vua hoặc ngay trong một triều đại đều có sự khác biệt nhau về cách thể hiện. Những thông tin về họa tiết trang trí trên sắc phong góp phần giúp các nhà chuyên môn, cho thời đại chúng ta cách nhìn toàn diện hơn về phong cách mỹ thuật ở một giai đoạn lịch sử nhất định khi so sánh chúng với những hoạ tiết trang trí trên các chất liệu khác cùng niên đại.
Lịch sử chữ viết
Thư thể trên sắc phong cũng là một nguồn tư liệu có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nghiên cứu về lịch sử chữ viết Hán Nôm ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta còn quá thiếu tư liệu để nghiên cứu về chữ viết của ông cha ta qua các thời kỳ cụ thể. Thư tịch cổ chỉ ghi lại quá ngắn gọn về thư thể, về các hành động thể hiện chữ viết. Do đó, những nhà nghiên cứu về thư thể, thư pháp Việt Nam không thể không để ý đến những con chữ cụ thể trên sắc phong. Chính hệ thống sắc phong đã cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ về thư thể với chữ viết có niên đại tuyệt đối. Hơn nữa, sắc phong ưu điểm hơn các thể loại văn khắc Hán Nôm trên lĩnh vực nghiên cứu thư thể vì đây là thể loại mà chữ được viết trực tiếp bằng bút lông trên giấy với sự biểu hiện chân xác các đặc điểm: mặc tích (vết tích mực), bút lực (lực đi bút), khởi bút (khởi điểm của bút), hành bút (đi bút), liên bút (liên kết nét), hồi bút (kết thúc bút). Theo đó, gần như đầy đủ các kỹ thuật của thư pháp được thể hiện chân thực nhất trên sắc phong. Phong cách chữ trên sắc phong ở từng thời kỳ thể hiện rõ ràng mà không phải đoán định, bàn cãi. Vì vậy, thông điệp này từ sắc phong giúp thế hệ chúng ta hiểu về phong cách chữ từng thời kỳ, sự chuyển biến, tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo của thời kỳ sau so với thời kỳ trước ngay trong từng triều đại Việt Nam, sự vay mượn cũng như ảnh hưởng của thư thể Trung Quốc…
Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
Tư liệu Hán – Nôm nói chung, sắc phong nói riêng là một loại hình, loại hiện vật gốc trong hệ thống các loại hiện vật gốc thuộc nội thất di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Sắc phong là một trong những hiện vật – tư liệu quan trọng góp phần xây dựng đề án, thiết kế tu bổ, tôn tạo di tích. Thông qua các thần hiệu trên các sắc phong, người ta có thể biết được di tích đó trước đây thờ những vị thần nào, nhân vật nào, từ đó có phương hướng tu bổ và phục dựng lại giá trị lịch sử, lễ hội dân gian đã từng gắn liền với di tích trong quá trình tồn tại theo quy luật phát triển.
Sắc phong làng xã nói chung và sắc phong làng xã Thừa Thiên Huế nói riêng là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, góp phần xác minh về thời điểm thành lập làng xã, thôn ấp, đồng thời cũng cung cấp tư liệu về các tộc họ, tổ nghề, vùng miền, sự kiện. Việc sưu tầm, số hóa và nghiên cứu chuyên sâu về sắc phong làng xã có một ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về phong tục lễ nghi của làng xã và những điển chế của triều đình đối với làng xã Việt Nam nói chung và với vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân nói riêng.
Tìm hiểu lớp từ cổ Việt-Hán
TÌM HIỂU VỀ LỚP TỪ CỔ VIỆT HÁN QUA CÁC CỨ LIỆU NGỮ ÂM LỊCH SỬ
(About the Viet-Han ancient words class through
the historical phonetic data)[1]
Phan Anh Dũng
Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế
Tóm tắt:
Bài viết đưa ra bảng so sánh các từ cổ Việt-Hán trong tiếng Việt với các tư liệu phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ của các từ này theo các tác giả Bernhard Karlgren ( 高本漢 ), William H. Baxter ( 白一平 ) , Vương Lực ( 王力 ) … Từ đó rút ra một số nhận xét đánh giá về nguồn gốc lớp từ cổ Việt Hán này.
1. Khái quát.
Bài này tiếp tục một số bài viết trước của tác giả về mối quan hệ giữa Hán ngữ cổ đại với các ngôn ngữ họ Nam Á (Austro-Asia). Và đặt vấn đề xem xét lại nguồn gốc của Hán ngữ, phải chăng Hán ngữ có thể không phải chỉ có nguồn gốc Tạng Miến mà còn có một phần có gốc từ họ Nam-Á mà đại diện tiêu biểu là nhóm Mon-Khmer ?
Các nghiên cứu về xếp loại ngôn ngữ cho tiếng Việt đã chỉ rõ rằng, về lớp từ cơ bản tức là lời ăn tiếng nói hàng ngày thì tiếng Việt phải xếp vào họ Nam Á, nhóm Môn-Khmer, phản ánh “tiếng mẹ đẻ” của người Việt chính là tiếng nói của cư dân bản địa vùng châu thổ sông Hồng và xa hơn là miền Trung Việt Nam cổ xưa… nhưng các vấn đề như có thanh điệu phức tạp, xu hướng đơn âm hóa triệt để, kho từ vựng có nhiều từ chung chịu ảnh hưởng của họ Thái-Kadai và Hán-Tạng .v.v. thì lại cho thấy tiếng Việt có thể xếp vào họ Hán Tạng hay Thái-Kadai, đó cũng là cách phân loại của các nhà ngôn ngữ học khoảng năm 1950 về trước, chỉ sau này khi có các số liệu thống kê về số lượng từ cơ bản thì xu hướng xếp tiếng Việt vào họ Nam Á (Mon-Khmer) mới thắng thế.
Người viết cho rằng sau khi vất bỏ các yếu tố hoang đường thì truyền thuyết ghi trong sử Việt về Lạc long quân vốn là dòng dõi Thần Nông có thể phản ánh một sự thực lịch sử, đó là có một nhóm tộc thuộc thị tộc Thần Nông khoảng gần 5000 năm trước đã từ vùng Hồ Động đình dịch chuyển về phía Nam xuống vùng Lưỡng Quảng rồi đi tiếp xuống vùng đồng bằng sông Hồng khoảng hơn 4000 năm trước [2], đó là lúc đồng bằng sông Hồng vừa phát lộ trở lại sau sự kiện “đại hồng thủy” – biển tiến Flandri. Nhóm thị tộc Thần Nông này đã hợp huyết với cư dân bản địa gốc Mon-Khmer ở vùng Thanh Hóa, Hòa Bình cùng tiến xuống biển khai thác vùng đồng bằng vừa mới phát lộ. Cũng theo quan điểm của người viết thì chính cuộc thiên di của thị tộc Thần Nông (Lạc Long Quân) nói trên đã đem đến cho kho từ vựng của người Việt lớp từ “cổ Việt Hán”, lớp từ này tách biệt hẳn về thời gian tới khoảng hai nghìn năm so với lớp từ “Hán Việt” du nhập về sau trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, nên cả người Hán lẫn người Việt bình thường (không phải người nghiên cứu về ngôn ngữ) nhìn qua thì khó hình dung ra nguồn gốc chung của chúng.
Về cội nguồn lớp từ cổ Việt Hán, xuất phát từ chỗ thị tộc Lạc Long Quân vốn là một trong các nhóm tộc Bách Việt thời thượng cổ ở lưu vực Trường Giang (phía Nam hồ Động Đình) chứ không phải nhóm Hán tộc phương Bắc ở lưu vực Hoàng Hà, nên người viết cho rằng lớp từ này có gốc Nam Á hay cận Nam Á, và có thể có pha trộn ít nhiều với họ ngôn ngữ Hán-Tạng và Thái-Kadai, vì vùng Hồ Bắc và Hồ Nam vốn là vùng bản lề tiếp xúc của các nhóm tộc Khương (phía Tây Bắc), Hán (phía Bắc và Đông Bắc) và Bách Việt (phía Đông và Nam), Thái-Kadai (Nam và Tây Nam). Các số liệu dẫn chứng dưới đây cũng cho thấy lớp từ cổ Việt Hán bảo lưu được nhiều vết tích ngữ âm cổ và gần với âm Hán thượng cổ hơn là âm Hán trung cổ, vì vậy người viết đã dùng cách gọi “lớp từ cổ Việt Hán” (đặt chữ Việt trước chữ Hán) để nhấn mạnh nguồn gốc cận phương Nam của lớp từ này.
Về sau khi có cuộc thiên di lớn về phía Bắc và “hòa hợp dân tộc” giữa nhóm thị tộc Thần Nông của Viêm Đế với nhóm Hán tộc “chính gốc” phương Bắc của Hoàng Đế ở lưu vực Hoàng Hà, lớp từ “cổ Việt Hán” này có thể đã tham gia hình thành Hán ngữ thượng cổ. Như vậy Hán Ngữ cổ không hẳn là “thuần Tạng-Miến” mà có thể có một phần pha trộn Mon-Khmer.
Về vấn đề các nhóm tộc cổ xưa ở lưu vực Trường Giang nói một thứ ngôn ngữ phương Nam, dẫn chứng mà các nhà nghiên cứu hay nhắc đến là chữ giang 江 vốn có biểu âm là chữ “công”, phù hợp với các ngôn ngữ phương Nam “krông”=”không”=”sông” … Trong bài viết dự Hội thảo nhân một năm ngày mất Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn [15] người viết cũng có dẫn ra cứ liệu cho thấy từ “địa 地”, phục nguyên âm thượng cổ theo Baxter là “djejs” có thể cùng gốc với tiếng Mon-Khmer “đây” và tiếng Việt “đất”[3]. Hơn nữa nếu dựa vào bản đồ thiên di của người thượng cổ phát nguyên từ Châu Phi như dưới đây thì các nhóm tộc ở lưu vực Trường Giang vốn từ đồng bằng sông Hồng thiên di về phía bắc cách nay khoảng 1,5 vạn năm, nên việc họ nói một thứ ngôn ngữ phương Nam gần với họ tiếng Việt (Mon-Khmer) là việc khá tự nhiên (http://tieba.baidu.com/f?kz=724009126):
2. Số liệu thống kê và vài nhận xét ban đầu.
Xin xem hai bảng thống kê về lớp từ cổ Việt Hán ở phần phụ lục dưới đây, tuy chỉ là số liệu thống kê sơ bộ nhưng cũng thấy lớp từ này không phải là nhỏ, bảng 1 có hơn 250 chữ. Các số liệu đó đều rút từ tài liệu phục nguyên âm thượng cổ Hán của các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Bernhard Karlgren[4] (高本漢 , Cao Bản Hán), William H. Baxter[5] (白一平 , Bạch Nhất Bình) , Vương Lực[6] (王力) … Lưu ý trong bảng đó chúng tôi chủ ý chọn những từ thuộc, hoặc khá gần, lớp từ cơ bản của tiếng Việt, và tránh những từ có vẻ quá gần với âm Hán Việt (âm Hán Trung cổ) để loại trừ khả năng nó là “đọc trại” của âm Hán Việt diễn ra sau khi VN đã giành lại độc lập.
Vài nhận xét sơ bộ:
- Những từ đã thống kê phần nhiều đều là những từ khá cơ bản và thông dụng của tiếng Việt.
- Số lượng từ có thể coi là “thượng cổ Việt Hán” khá lớn dầu mới chỉ thống kê sơ qua, điều đó đủ cho thấy trong tiếng Việt tồn tại một lớp từ còn lưu giữ dấu vết âm Hán thượng cổ cực kỳ xa xưa, theo người viết có thể là từ thời đại Tam Hoàng-Ngũ Đế hay giai đoạn từ Hạ tới đầu Thương.
- Từ các bảng thống kê thấy Baxter phục nguyên với nhiều tiền âm tố và phụ âm đầu kép nên chúng tôi cho rằng Baxter phục nguyên ở mức xưa hơn Karlgren và Vương Lực, có lẽ Baxter không dừng ở mức thượng cổ Hán ngữ mà đã gần tới mức proto-Tạng-Hán (tiền Hán Tạng ngữ), một số từ phải lần đến mức của Baxter mới nhận ra dấu vết tương quan với từ cổ Việt , như rồng (b-rjoŋ, k- rjoŋ), sông (kroŋ), lúa (luʔ=đạo 稻).
- So sánh tương đối trong phạm vi bảng thống kê thấy âm Việt hiện đại của các từ cổ Việt Hán có vẻ gần âm thượng cổ Hán nhất, sau đó mới đến âm Mân Nam rồi âm Quảng Đông, còn âm chính thống của tiếng Hán ngày ngay (Pinyin) lại xa âm Hán thượng cổ hơn cả. Điểm ngạc nhiên là xem trên bản đồ thì Quảng Đông gần VN hơn Mân Nam, nhưng nhiều từ cổ âm tiếng Việt có vẻ giống Mân Nam hơn Quảng Đông.
- Đối với nhóm từ “tươi, lười, tỏi” phục nguyên của 3 tác giả Karlgren, Vương Lực, Baxter đều không có -i cuối mà thống nhất là -n. Nhìn qua ví dụ đó thì tiếng Việt có vẻ như đã biến âm nhiều so với âm thượng cổ trong khi tiếng Hán (tiên 鮮, lãn 懶, toán 蒜) còn giữ khá gần. Nhưng xét kỹ hơn thấy phần biểu âm của chữ “lãn” là chữ “lại”, cho thấy chứng tích của âm cuối -i hay -j thời cổ. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn thì thời Kinh Thi nhóm này còn gieo vần với -j , đến Đạo Đức Kinh thì chỉ còn vần với -n, gieo vần với -j còn có thể là -l, -r nhưng nói chung là -i xưa hơn cả -n.
3. Vấn đề niên đại lớp từ cổ Việt Hán:
1- Từ bảng phụ lục có thể thấy là âm tiếng Việt hiện đại của lớp từ cổ Việt Hán còn bảo lưu được nhiều ngữ âm Hán thượng cổ, thậm chí có vẻ còn gần âm Thượng cổ Hán hơn cả âm Hán Trung cổ tức âm Hán Việt định hình khoảng đời Đường.
- Ví dụ về phụ âm đầu (thanh mẫu) : nhóm từ buồng, buộc, búa, bùa, bay, buôn … còn giữ phụ âm đầu b- thời Thượng cổ, trong khi âm Hán Trung cổ đã chuyển thành f- (phòng, phọc, phủ, phù, phi, phán …)
- Ví dụ về vần (vận mẫu): các từ vốn vận bộ ca 歌 tiếng Việt vẫn còn giữ được âm cuối -i, phù hợp với vận bộ ca Thượng cổ vốn có âm cuối là -r, -l, -j. Như ngài (nga), vãi (bá), mài (ma), lưới (la), lái (đà), cái (cá), trái (tả) … Xin xem chi tiết hơn ở phần phân tích thống kê ở dưới về những từ cổ Việt Hán có âm cuối “-i” này, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn từng viết: “Ở trường hợp từ thuần Việt, tuổi của âm cuối *-i như vậy là rất cao, vì nó không những lên đến thời Việt Mường chung mà còn lên đến thời Proto Việt Chứt cách đây đã trên 3000 năm. Có thể có trường hợp -i còn có nguồn gốc xa hơn nữa …”, con số trên 3000 năm này ít nhiều gợi ý cho chúng ta mức độ cổ của lớp từ cổ Việt Hán.
2- Về đại để thì âm Hán Thượng cổ thường được hiểu là ngữ âm tiếng Hán thời Chu, tuy nhiên thời Chu dài đến hơn 800 năm, mà một số từ cổ Việt Hán có thể đến thời Tần-Hán vẫn còn giữ ngữ âm thời Chu, cho nên nếu chỉ dựa vào sự giống nhau nêu trên thì vấn đề niên đại lớp từ cổ Việt Hán vẫn còn khá mơ hồ. Để có định lượng chính xác hơn một chút, chúng tôi căn cứ vào một đoạn mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn viết trong sách “Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt”, trang 323: “Những tiếng cổ Hán Việt như tươi, lười, tỏi, vãi chứng minh điều đó: đây là những tiếng có âm cuối -*r hay -*l có khả năng gieo vần với những tiếng có -*j ở giai đoạn Kinh Thi, nhưng đến Đạo Đức Kinh thì chúng chỉ còn gieo vần với những tiếng có -*n. Rõ ràng tươi, lười, tỏi, vãi … đã được du nhập trước quá trình diễn biến -r > -*n, nghĩa là trước thời Tây Hán khá lâu”.
Thời Đạo Đức Kinh là khoảng 600 năm trước CN, còn thời Kinh Thi là khoảng đầu thời Chu, 1000 năm trước CN, như vậy bước đầu chúng ta đã có những con số định lượng tương đối cụ thể cho niên đại lớp từ cổ Việt Hán, việc khảo sát chính xác hơn cần có thời gian.
3- Thêm một dẫn chứng có thể quy kết về niên đại, đó là phục nguyên âm cổ của chữ “chỉ” 趾 (chân), mà chúng tôi từng đưa ra ở bài viết trước [15]. Xin tóm tắt lại như sau: chữ chỉ趾nghĩa là chân, phục nguyên âm Thượng cổ theo Karlgren: ȶi ̯əg, trong khi từ “chân” của tiếng Việt theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thời cổ vốn có âm cuối -ŋ, trong sách “Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt” trang 199 Giáo sư viết: “… chúng ta chỉ có hai ví dụ là từ chân và lên (và liên quan tới lên là từ trên). Ở hai từ này có lẽ ta phải phục nguyên *-ŋ cho thời Proto Việt Chứt, hay chậm nhất thì cũng cho thời Proto Pọng Chứt chung”. Mà Proto Việt Chứt là khoảng hơn 3000 năm trước, tức là cuối đời Thương, tại thời điểm đó đã có sự đối ứng giữa âm cuối -g của Hán ngữ với -ŋ tiếng Việt cổ, còn thấy qua việc chữ “chi” 之 (là chữ vận bộ của chỉ 趾 , cũng có phục nguyên ȶi ̯əg) trong tiếng Việt được dịch thành “chưng”. Người viết ước đoán -g khi đó thực ra không đồng nhất đồng nhất hoàn toàn với -ŋ, mà thời điểm đồng nhất có thể còn xa hơn cả nghìn năm trước, tức là ứng với giai đoạn đầu thời đại Hùng Vương, có thể khi đó âm cuối -g và -ŋ của “chỉ” và “chân” đồng nhất vào âm cuối -ʔ, giống như phục nguyên của Baxter là : tjəʔ .
4- Mức độ “vượt thượng cổ” của lớp từ cổ Việt Hán còn có thể thấy ở một từ đặc biệt, đó là từ thoát 脫 (lọt):
Chữ Hán | Karlgren | Vương Lực | Baxter | Cổ Việt | HánViệt | pinyin |
(Đường âm) | ||||||
脫 | t’wɑt | thuat | hlot | lọt | thoát | tuo1 |
Nếu ai còn nghi ngờ việc phục nguyên của Baxter thì xin xem thêm tài liệu [9] của chính người TQ, cũng phục nguyên âm thượng cổ Hán của 脫 là *hluat và còn cho cả âm Proto Tạng-Miến của nó là *g-lwat như hình dưới, chụp từ tài liệu [9], tài liệu này cũng ủng hộ nhận xét của chúng tôi là Baxter đã phục nguyên rất xa, tới gần thời Proto Hán-Tạng:
4. Vấn đề nguồn gốc lan truyền lớp từ cổ Việt Hán:
Khoảng thời gian 1000-600 năm TCN tạm định ra ở mục trên tách xa hẳn với thời Bắc Thuộc, vậy những từ cổ Việt Hán truyền vào Việt Nam qua đường nào ? Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có đưa ra cách giải thích là nhiều từ gốc Hán người Việt mượn gián tiếp qua Thái-Kadai, ở trang 322 “Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt” Giáo sư viết : “Các từ như ngan, bừa, cuốc, vãi, phân, bánh, mùa, cam, quýt, tỏi, ao, đầm, chèo… cũng đều có thể là từ gốc Hán; nhưng rất có thể chúng được du nhập vào ngôn ngữ Việt-Mường thông qua Thái-Kadai”. Tuy nhiên các cứ liệu di truyền học Y-ADN mới công bố gần đây lại cho thấy các chỉ số di truyền Y-ADN của người Việt khá xa với nhóm Tày-Nùng ở biên giới Việt-Trung mà lại gần với người Hán Quảng Đông, Quảng Tây và nhóm Choang ở vùng Nam Ninh, thủ phủ Quảng Tây, phía bắc sông Châu Giang. Cho nên người viết đi đến nhận định rằng lớp từ cổ Việt Hán đó là của tổ tiên người Việt truyền lại từ rất xưa, nhiều từ gốc gác có thể trước cả thời Chu nữa, chứ không phải là mượn của Hán ngữ gián tiếp qua Thái-Kadai, và với mức cổ như thế thì cũng không thể nói là mượn của Hán tộc nữa, chẳng qua là quan hệ cùng một gốc xuất xứ thôi. Khoảng 1000-600 năm TCN tức là trước giai đoạn Bắc thuộc khá lâu nên khó có thể cho là người Việt “học” lại người Hán lớp từ này trong thời Bắc thuộc rồi đọc trại đi như ý kiến của một số người.
Từng có giả thuyết cho rằng người Việt (Kinh) vốn từ vùng trung Việt hay trung Lào tiến ra xâm chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ của dân Thái-Kadai, hòa trộn với Thái-Kadai và sau đó đã học nghề trồng lúa cùng với nền văn minh nông nghiệp của dân Thái-Kadai… từ đó nhận định rằng nhóm Thái-Kadai mà đại biểu hiện nay là người Choang, Tày, Nùng mới đúng là cư dân cổ xưa ở vùng đồng bằng sông Hồng chứ không phải dân Kinh. Nhưng niên đại của sự kiện trên có thể khoảng 3500 năm trước[7], tức là rất xa xưa, trước thời Bắc thuộc đến ngàn rưởi năm, trước cả lúc hình thành nền văn minh trống đồng của các nhóm tộc Lạc Việt, nên không thể tách rời người Việt (Kinh) khỏi nền văn minh Lạc Việt cổ với thể hiện tiêu biểu là trống đồng được. Sau đây là vài số liệu so sánh ngôn ngữ về các từ liên quan tới nghề nông giữa hai nhóm Việt-Mường và Thái-Kadai (gồm Tày và Thái đen là hai nhóm Thái-Kadai có địa bàn cư trú tiếp giáp với người Việt) cho thấy giả thuyết trên có điểm đáng ngờ:
Tiếng Việt | Tiếng Mường | Tiếng Tày | Thái đen | Tiếng Hán | Chữ Hán |
Trâu | Tlu | Vài | Quãi | Thủy ngưu | 水牛 |
Bò | Mò | Mò | Ngúa | Ngưu | 牛 |
Cày | Cằl | Thay | Thay | Canh | 耕 |
Bừa | Pừa | Phưa | Ban | Sừ | 耡 |
Ruộng | Nà | Nà | Nã | Điền | 田 |
Mạ | Mã | Chả | Cả | Miêu | 苗 |
Lúa | Lõ | Khẩu | Khảu | Hòa, Đạo | 禾稻 |
Thóc | ? | Khẩu | Khảu | Đạo, Mễ,Cốc | 稻米穀 |
Gạo | Cảo | Khẩu | Khảu | Mễ, Cốc | 稻米穀 |
Rơm | Thóc | Vàng | Phưỡng | Đạo can | 稻杆 |
Rạ | ? | ? | Phưỡng | Đạo can | 稻杆 |
Nhận xét bảng trên:
1- Các từ căn bản liên quan tới nghề trồng lúa tiếng Việt khác nhóm Thái-Kadai nhiều.
2- Tiếng Việt có các từ phân biệt rất chi tiết từ cây mạ cho tới cây lúa, hạt thóc, hạt gạo, rơm, rạ … trong khi Thái gọi chung thóc, lúa, gạo là “khảu”, gọi chung rơm, rạ là “phưỡng”. Tiếng Việt cũng có từ riêng “nghé” để gọi trâu con, còn bò con có tên riêng là “bê”.
3- Con trâu là đầu cơ nghiệp nhà nông nhưng tiếng Việt “trâu” hay tiếng Mường “tlu” lại khác hẳn tiếng Thái đen “kvai” (quãi) và tiếng Tày “vài” (còn đọc là “hoài”), còn con bò tiếng Việt (hay mò tiếng Mường) cũng khác hẳn tiếng Thái đen “ngúa” (có lẽ ngúa cùng gốc với ngưu của nhóm Hán-Tạng ?). Trong lúc đó người Di tận Quý Châu TQ lại gọi con bò là “lɯ” khá giống với tiếng Việt Mường cổ gọi con trâu là “t-lu” … Người Di có thể từng là cư dân cổ xưa vùng Hồ Bắc, Hồ Nam, trong đó có vùng Tương Giang ở Hồ Nam từng được các nhà nghiên cứu TQ gọi là “Cổ Lạc Việt chi địa”, người Di cũng là một trong số ít tộc gốc Hán Tạng nhưng lại có một phần M88, là nhóm nhiễm sắc thể Y-ADN đặc trưng của người Kinh.
4- Người Tày gọi con bò là “mò”, gọi bừa là “phưa”, gần giống tiếng Mường (là lưu ảnh của tiếng Việt cổ) nhưng có thể chính Tày đã mượn của Việt – Mường, vì so sánh thì Thái đen (ở vùng Tây Bắc VN, vốn từ Vân Nam thiên di xuống) gọi bò là “ngúa”, bừa là “ban”, có lẽ đó mới đúng là từ gốc Thái-Kadai.
5- Đặc biệt thú vị là vấn đề từ nguyên của cày/canh:
Từ “cày” trong tiếng Mường là “cằl” (theo từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên). Tiếng Việt không phát âm được phụ âm cuối -l nên ký âm “cằl” thường bị đọc ra “cằn”, nhưng xét cấu âm thì có lẽ “cằl” gần với “cănh” hay “canh” hơn, tức đọc gần giống từ Hán Việt “canh 耕” cũng có nghĩa là “cày” (Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn cho biết có nhiều từ tiếng Việt có âm cuối -i, -y vốn gốc từ âm cuối -r, -l, -j tiếng tiền Việt-Mường). Nếu dựa theo các vết tích khảo cổ về nghề trồng lúa ở đồng bằng Bắc Bộ từ cả ngàn năm trước Công nguyên và hiện tượng là tiếng Việt không có từ nào khác thay thế cho “cày” cả thì phải mạnh dạn đặt giả thuyết cằl/cày là một từ mà tổ tiên Việt-Mường đã truyền lại từ thời xa xưa, trước thời kỳ Bắc Thuộc rất lâu, chứ không phải Việt-Mường mới đi mượn từ “canh” của Hán tộc sau khi bị đô hộ rồi đọc trại ra “cằl” rồi thành “cày”, và càng không phải là tiếp thu từ “thay” của nhóm Thái-Kadai.
Về nguồn gốc phương Nam của “canh”, “cằl”, “cày” tạm thời chưa bàn sâu vì vấn đề này dễ gây tranh cãi lạc đề. Tuy nhiên cũng phải nói thẳng ra rằng thời đại “Thần Nông”, ông tổ nghề trồng lúa, vốn cũng chỉ là truyền thuyết, chưa có cứ liệu khoa học chắc chắn nào chứng minh thị tộc Thần Nông là gốc Hán tộc ở Hoàng Hà, là gốc Khương ở Tứ Xuyên hay là gốc Bách Việt ở Trường Giang cả. Còn nếu đơn thuần căn cứ vào vị trí địa lý của lăng Viêm Đế thì lăng này ở huyện Viêm Lăng, tỉnh Hồ Nam, phía đông nam Hành Dương thị khá xa về phía nam của hồ Động Đình, lại nằm ngay trong vùng đất “Cổ Lạc Việt chi địa”, rất xa với vùng lưu vực Hoàng Hà, cội nguồn của Hán tộc. Vùng Tương Giang “Cổ Lạc Việt chi địa” này vốn là đất “man di”, mãi đến khoảng thế kỷ 3-4 trước CN mới bị nước Sở thôn tính, rồi sau đó nhập vào TQ thời Tần, Hán [8].