TÊN GỌI VIỆT LẠC (LẠC VIỆT) CÓ TỪ TRƯỚC ĐỜI THÀNH THANG ?
Tạ Đức trong cuốn “Nguồn gốc người Việt – người Mường” viết:
“…
Khi nói về nước Lạc Việt ở Quảng Tây trước thời Tần, sách Lã Thị Xuân Thu(viết xong năm 239 TCN) có câu: “Việt Lạc chi khuẩn”. Cao Dụ, một học giả thời Hán chú thích: “Việt Lạc là tên nước, khuẩn là măng tre. Việt Lạc có nghĩa là Chim Việt. Việt Lạc là cách nói của người Hoa, ngược với cách nói của người Việt là Lạc Việt” [2] .
Như vậy, Lạc Việt= Chim-Việt, một cách hiểu hoàn toàn phù hợp với hình vẽ Chim Lạc-Rìu Việt trên thạp Diêm Thôn”
Phần chú thích cho [2] Tạ Đức dẫn từ nguồn internet: :
“http://baike.baidu.com/view/2381.htm . Người Hoa khi phiên âm một từ Việt, thường đặt theo trật tự từ tiếng Hoa. Ngược lại, người Việt, khi tiếp thu từ Hoa, trong một số trường hợp, cũng đảo lại theo trật tự từ Việt (các từ sử tiền, hỉ hoan, thố thi, thích kích được đảo thành tiền sử, hoan hỉ, thi thố, kích thích, đặc biệt tên gọi Việt Nam là tên đảo của tên gọi Nam Việt”
Việc dẫn từ internet mà không có ghi chú cẩn thận thực là nguy hiểm !
Khi vào trang mà Tạ Đức dẫn thì tại hạ thấy câu của Cao Dụ chú thích chỉ có ngắn gọn như sau “越骆 ,国名。菌,竹笋” – “Việt Lạc là tên nước, khuẩn là măng tre”, còn toàn bộ đoạn sau là lời của người viết bài trên trang internet đó, nguyên văn “越骆是汉语提法,意为越(耕种Daex)谷,骆(roeg)为越人鸟崇拜,越人语言倒装为骆越” – “Việt Lạc là theo ngữ pháp Hán, nghĩa là Hang Việt, lạc là thứ chim người Việt sùng bái, theo ngữ pháp của người Việt thì đảo thành Lạc Việt” .
Như vậy câu “Việt Lạc có nghĩa là Chim Việt” là do Tạ Đức dịch bừa theo ý mình, và khi trích dẫn đã không đánh dấu nháy “” ở câu của Cao Dụ nên người đọc có thể nhầm tưởng là Cao Dụ đã khẳng định “Lạc là chim”.
Thực ra có lẽ các tác giả viết trang web trên đã chịu ảnh hưởng từ các công trình về lịch sử Việt Nam của Đào Duy Anh từng khẳng định “lạc là chim lạc” nên đã viết như thế ?
Ngoài ra câu “nước Lạc Việt ở Quảng Tây” cũng không phải Lã Thị Xuân Thu viết, mà của mấy học giả Tàu ở trang web đó muốn nhận vơ Lạc Việt là của (riêng) dân Choang ở Quảng Tây (giờ thì đương nhiên là của các ông Con Trời luôn rồi). Họ lờ tịt thông tin trong chính sách Tàu (Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 519—581) đã viết rõ Lạc Việt là ở Giao Chỉ, mà trung tâm là miền Bắc VN, nguyên văn trong Dư Địa Chí như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu…”. Tạ Đức đã thiếu cảnh giác với mấy vị “thâm nho Tàu” nên đã bê nguyên tiên đề “nước Lạc Việt là ở Quảng Tây” của các thầy Tàu vào sách của mình.
===
Nhân tiện tại hạ “truy sát” tận gốc nguyên văn cuốn Lã Thị Xuân Thu ở trang http://wenku.baidu.com/view/f9b51ffff90f76c661371a69.html, kết quả như sau:
【原文】
和之美者:
阳朴之姜;招摇之桂;越骆之菌;照(音毡)鲔(音委)之醢(音海);大夏之盐;宰揭之露,其色如玉;长泽之卵。
【译文】
调料调合味道好的:四川阳朴的姜;桂阳招摇山的桂;越骆(古国)的香菌;鲤鱼和鲔鱼肉做的酱;大夏(古国)国的盐;宰揭山颜色如玉的甘露;长泽的鱼子
Nguyên văn:
Hòa chi mỹ giả: Dương Phác chi khương ; Chiêu Dao chi quế ; Việt Lạc chi khuẩn ; Chiếu (âm chiên) Vị ( âm uỷ) chi hải (âm hải ) ; Đại Hạ chi diêm ; Tể Yết chi lộ, kì sắc như ngọc ; Trường Trạch chi noãn.
Dịch văn: (Chú thích của Cao Dụ)
Điều liệu điều hợp vị đạo hảo đích: Tứ Xuyên Dương phác đích khương ; Quế Dương Chiêu Dao sơn đích quế ; Việt Lạc (cổ quốc) đích hương khuẩn ; lí ngư hòa vị ngư nhục tố đích tương ; Đại Hạ (cổ quốc) quốc đích diêm ; Tể Yết sơn nhan sắc như ngọc đích cam lộ ; Trường Trạch đích ngư tử “
Xin lưu ý 2 điểm:
1- Trang này viết là “cổ quốc” chứ không phải “quốc danh” như trang internet Tạ Đức dẫn, như vậy các trang của Tàu cũng không thống nhất ! Do đó cần rất thận trọng khi copy từ các trang mạng !
2- Cùng trong đoạn đó Cao Dụ (hay người sau?) lại chú Đại Hạ cũng là “cổ quốc”, tinh ý một chút chúng ta sẽ nhận ra là mức “cổ” của Việt Lạc quốc cũng phải ngang với Đại Hạ quốc.
Hơn nữa đoạn văn trên là ở Thiên Bản Vị trong Lã Thị Xuân Thu quyển 14 (《吕氏春秋》的第l4卷《本味篇》) , tra kỹ lai lịch thì đoạn văn này là lời Y Doãn nói với vua Thang, được các tác giả Lã Thị Xuân Thu, môn khách của Lã Bất Vi, ghi lại, như thế thì “mức độ cổ” của tên gọi “Việt Lạc” có thể từ trước đời Thành Thang ?
Tham khảo thêm :
– Vùng Lĩnh Nam lập quốc từ thời Đường Ngu ?
– Lại bàn về nguồn gốc người Việt
—
Huế. 20/04/2015
fanzung.