Ngẫu quá Thúc Dạ Thị mộ phần
Năm ngoái, Nguyễn Hữu Tưởng huynh đệ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm chốn Hà thành có chuyến ghé Cố đô làm công tác điền dã thu thập tư liệu, ở chơi nhà tại hạ luôn mấy tuần.
Tưởng huynh là một tửu hữu lừng danh ở đất Thăng Long, tuy không có tuyệt chiêu ngạnh công dùng “đôi bồ cào” cắn chặt miệng vò rượu nâng lên ngửa cổ một hơi dốc cạn như một vị hưu quan nào đó nguyên Tuần phủ xứ Quảng Trị (xem blog Trương Duy Nhất ), nhưng có lẽ Tưởng huynh ăn đứt vị hưu quan lớn đó về tửu đạo cùng Hán Học thâm niên, Dịch học tinh thông, khi xướng họa, lúc đối liên từ phú với tại hạ thật mười phần ăn ý, kể cũng là một bậc tri kỷ.
Có vài buổi thong thả, tại hạ lưng đeo tráp, vai khoác bầu theo chơi giúp Tưởng huynh rập bia, nhân có hôm ghé qua khu mộ phần của dòng họ Ưng Bình Thúc Dạ Thị ở thôn Dương Xuân Hạ xã Thủy Xuân, cạnh ngôi chùa nhỏ Thiên Hòa, ngắm dòng suối nhỏ len quanh chân đồi, cảnh trí chiều hôm vắng vẻ tiêu điều mà cảm tác nên mấy vần:
因 助 友 偶 過 菽 野 氏 墓 墳
菽 野 墓 墳 何 處 尋
楊 春 村 下 樹 森 森
天 和 小 寺 歸 西 佛
葦 野 辭 章 別 震 音
碑 崇 祖 北 誰 知 意
墳 小 籬 南 己 識 心
因 來 助 友 隨 工 事
不 為 應 詩 到 處 尋
“rượu có mùi hương nên nồng mãi
thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi”
Nhân trợ hữu ngẫu quá Thúc Dạ Thị mộ phần
Thúc Dạ mộ phần hà xứ tầm
Dương Xuân thôn hạ thụ sâm sâm
Thiên Hòa tiểu tự quy tây phật
Vĩ Dạ từ chương biệt chấn âm
Bi sùng tổ bắc thùy tri ý
Phần tiểu li nam kỉ thức tâm
Nhân lai trợ hữu tùy công sự
Bất vị ưng thi đáo xứ tầm
(Huế 2009)
Tạm dịch ý:
Mộ phần Thúc Dạ, ừ đây nhỉ
Dương Xuân thôn Hạ rợp xanh cây
Thiên Hòa am nhỏ vang kinh Phật
Vỹ Dạ từ chương vọng tiếng mây
Bia tôn tổ Bắc ai hay ý?
Mộ nép bờ Nam lối cỏ dày
Nhân vì giúp bạn làm công việc
Vốn chẳng vì thơ ghé chốn này
Ghi chú câu “Bia tôn tổ Bắc”: tấm bia lớn của khu một dành cho cụ thân sinh Thúc Dạ quay mặt về hướng Bắc là đúng hướng hoàng cung và xa hơn là quê hương họ Nguyễn ngoài Bắc (tức Gia Miêu Ngoại Trang, Thanh Hóa), thể hiện ý tứ khá sâu sắc.
***
Lúc bác Tưởng về Hà Nội nhiều tháng sau tại hạ mới gởi bài thơ ra, bác Tưởng có cảm tác gởi lại vài dòng:
Bài thơ của Dũng làm mình nhớ Huế
Nhớ dòng Đông Ba, nhớ biển Phong điền
Nhớ rượu Thủy Dương, nhớ cơm Thiên Mụ
Nhớ mưa thành nội, nhớ nắng Kim Long
Nhớ xị rượu ngon qua hàng ông ngoại …
Còn đây là đôi câu đối xướng họa với bác Tưởng trong đợt điền dã đó.
詩 知 詩 酒 知 酒 何 期 海 角 對 知 音
NHTuong: Thủy đắc thủy, sơn đắc sơn, kỷ độ tang thương tồn thắng tích
PADung: Thi tri thi, tửu tri tửu, hà kỳ hải giác đối tri âm.
Núi có núi, sông có sông, đã mấy độ bể dâu còn thắng tích
Thơ hay thơ, rượu hay rượu, biết khi nào góc biển gặp tri âm ?
Thơ viếng Đặng Thế Phong của Thanh Tịnh
Thơ viếng Đặng Thế Phong của Thanh Tịnh
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918-1942) tác giả 3 ca khúc bất hủ Con thuyền không bến, Bến Thu, Giọt mưa thu, là một trong các nhạc sĩ nổi danh nhất thời Tiền chiến. Ông mất khi rất trẻ vì bệnh lao, khi mới 24 tuổi. Nhà thơ Thanh Tịnh có đến nhà viếng, ngủ lại một đêm, sáng sau khi ông đi thì người nhà thấy trên bàn thờ Đặng Thế Phong có để một bài thơ viếng rất lâm ly, viết trên một mảnh bìa.
Thanh Tịnh (1917-1988, sinh ở Huế, gần đồng tuổi với Đặng Thế Phong) là một trong những nhà thơ Tiền Chiến (còn gọi là Phong trào Thơ mới) hàng đầu, đứng ngang hàng với Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên trong cuốn Thi Nhân Việt Nam nổi tiếng của Hoài Thanh. Nhưng bài thơ này lại khá lạ, giọng thơ khác nhiều với các bài thơ Tiền Chiến thời đó, cả với chính thơ của Thanh Tịnh, khi đọc đến bài này người viết đã để ý điều đó mà cũng chưa hiểu lý do, mãi sau này đọc nhiều về ca trù mới nhận thấy giọng thơ phảng phất giọng ca trù cổ nên khác với “Thơ Mới”, nhất là câu kết “Thực là tri kỉ tri âm” chính là cách kết bài của ca trù thông thường. Bài thơ này hiện người viết không còn lưu văn bản (đó là một bài báo cũ từ hàng chục năm trước), nên chỉ ghi lại theo trí nhớ như sau:
VIẾNG ĐẶNG THẾ PHONG
Đêm phong vũ khóc hoài thiên cổ lụy
Đàn mưa bay thổn thức tiếng ly cầm
Phấn hương tàn hỏi đâu lòng tri kỉ
Suối Trữ La trôi hết bản đàn tâm
Gác lẻ giường đơn ta nằm mơ bóng
Ảnh tài hoa lồng lộng nẻo âm u
Hồn vấn vương lưu lại mảnh chăn cù
Hương ấm nhẹ khôn ru hồn đơn lẻ
Ta nhớ tình trai, ta buồn lặng lẽ
Ngoài sóng gió bốn phương dâng lệ
Trắng lòng ta một mảnh tình si
Muôn thế nhân nơi nguồn thực tế
Họ quên rồi, nhớ mãi mà chi
Đàn gảy lên đi, khóc chàng nhạc sĩ
Nửa kiếp hoa băng tàn phai nhụy
Bàn thờ lạnh lẽo ai tri kỉ
Gác hở song thưa gió bốn bề
Kỉ niệm hoa niên bừng tỉnh thức
Ta về gây lại lửa si mê
Phong ơi linh trí lai hề
Đốt trầm hương triệu Phong về trần gian
Hồn bay trên những phím đàn
Tiếng tơ đồng vọng trên ngàn trúc ty
Thực là tri kỉ tri âm.
Chú thêm: tại hạ ngờ là bài này chưa hề có trong tuyển tập thơ nào của Thanh Tịnh nên mới đưa lên đây để nó khỏi mai một.
Về tấm bia của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu
Về tấm bia của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ở chùa Thiên Mụ
Thích Hải Phước[1]
Phan Anh Dũng [2]
Ở khu vực cổng chùa Thiên Mụ, hai bên tháp Phước Duyên có bốn nhà tháp để ba tấm bia lớn và treo quả đại hồng chung của chùa, phía sau tháp Phước Duyên còn một bệ đá để một tấm bia lộ thiên thời Khải Định nữa.
Chếch phía ngoài gần cổng so với tháp Phước Duyên là hai nhà bia hình tứ giác đối diện nhau, đặt hai tấm bia của vua Thiệu Trị, tấm bên phải là “Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên Bảo Tháp bi”, tấm bên trái có bài “Thiên Mụ chung thanh” (thần kinh đệ thập tứ cảnh). Gần ngang hàng với tháp Phước Duyên, lui vào trong một chút là hai nhà lục giác, bên trái treo quả Đại Hồng Chung của chùa, còn đối diện bên phải đặt tấm bia cổ nhất do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu lập, ở cuối bia đề: 時 永 盛 十 一 年 歲 次 乙 未 初 冬 之 吉 旦 日 – “Thời Vĩnh Thịnh thập nhất niên, tuế thứ Ất Mùi sơ đông chi cát đán nhật” – Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, ngày tốt tháng 10 năm Ất Mùi (tức năm 1715, đời vua Lê Dụ Tông) .
Nội dung tấm bia này nói về việc chúa Nguyễn Phúc Chu trùng kiến lại chùa Thiên Mụ, khoảng đầu thế kỷ 18, bia khá dài nên bài viết này không giới thiệu toàn văn, chỉ xin giới thiệu khái quát lai lịch tấm bia và tác giả bài văn bia:
Minh vương Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, 1675 – 1725) là vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền Đàng Trong (ở ngôi từ 1691 đến 1725). Dòng chúa Nguyễn vốn gốc ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá. Nguyễn Phúc Chu là con cả của Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Tộc Thế phả ghi là Nguyễn Phúc Thái, chữ Thái có bộ thủy 溙 là chữ hiếm dùng, có lẽ vì vậy bị lầm với chữ Trăn 溱 chăng?). Mẹ ông là Tống Thị ở Tống Sơn, Thanh Hoá, con của Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh, bà theo hầu Nghĩa vương từ khi ông chưa lên ngôi, sau khi Phúc Trăn lên ngôi, bà được lập làm cung tần, khi sinh được con trai thì càng được chúa yêu quý. Bà phi của Nghĩa vương vì vị nể nên đã đem Phúc Chu về nuôi. Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa mới có 17 tuổi (1691).
Minh vương là một vì chúa hiền và có tài. Khi mới lên ngôi, ông quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má phu dịch, bớt hình ngục. Ông còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mà điển hình là việc trùng kiến chùa Thiên Mụ ghi trong tấm bia đang đề cập. Chúa từng mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am, bản thân chúa cũng ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời, phát tiền gạo cho người nghèo. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu bờ cõi phía Bắc yên ổn do chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã tạm ngừng 30 năm, còn phía Nam ông mở rộng bờ cõi đất đai xuống tới Nam Bộ ngày nay, đạt được nhiều thành tựu như:
– Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu 1697 gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây.
– Đặt phủ Gia Định, sai Nguyễn Hữu Kính vào cai trị năm 1698, chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Nam Bộ .v.v.
Nguyễn Phúc Chu làm rất nhiều thơ, ông có nhiều bài thơ khóc vợ với tình ý tha thiết. Ông là người rất đông con: 146 người con gồm 38 người con trai. Đương thời ông tự xưng là Quốc Chúa, còn gọi là Chúa Minh (Minh Vương), hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, về sau nhà Nguyễn truy tôn ông là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế.
Ở đầu bài văn bia có ghi: 國 主 阮 福 週 嗣 洞 上 正 宗 三 十 世, 法 名 興 龍, 號 天 縱 道 人 鼎 建 順 化 天 姥 寺 碑 記 銘 – “Quốc chủ Nguyễn Phúc Chu[3] tự Động Thượng chính tông tam thập thế pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng Đạo Nhân đỉnh kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự bi kí minh…”
Động Thượng ở đây chính là chỉ dòng Phật giáo Tào Động, theo sách sử thì năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời vị thiền sư dòng Tào Động người Quảng Đông Trung Quốc là Thạch Liêm, tự Đại Sán Hán Ông tới Huế truyền pháp, dựng giới đàn lớn ở chùa Thiền Lâm với hàng nghìn người dự, có lẽ chúa Phúc Chu đã quy y dòng Tào Động và lấy hiệu Thiên Túng Đạo Nhân chính từ năm này.
Về Tào Động tông (曹洞宗) là một tông phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc được hai vị Thiền sư sáng lập, là Động Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch. Người ta ghép hai chữ đầu của tên hai vị này và gọi là Tào Động. Mặc dù mục đích tu tập trong hai trường phái Lâm Tế[4] và Tào Động như nhau nhưng phương pháp tu tập cụ thể thì có khác biệt. Tào Động tông chú trọng đến phương pháp Mặc chiếu thiền[5], tức là Chỉ quản đả toạ[6], “chỉ an nhiên Toạ thiền là đủ”, Lâm Tế tông chủ trương phương pháp Khán thoại thiền[7], là quán Công án[8]. Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỉ thứ 17, Thông Giác truyền giáo cho Chân Dung Tông Diễn và phái này hoạt động ở Đàng ngoài (miền Bắc), rất thịnh hành cuối thế kỉ 17 và đầu 18.
Còn ở Đàng Trong người truyền dòng Tào Động được kể là thiền sư Thích Đại Sán, tới Đàng Trong tháng 3 năm 1695 để truyền pháp như đã nói ở trên. Thiền sư trở về Trung Quốc tháng 6 năm 1696, qua cuộc hành trình này thiền sư có viết cuốn “Hải Ngoại Kỷ Sự” thuật lại chuyến đi, đây là một tư liệu lịch sử rất quý về thời đó, được các sử gia Việt Nam khai thác khá nhiều, ví dụ như trong quyển 3 của Hải Ngoại Kỷ Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và đã khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.
Về dòng Tào Động do Thích Đại Sán truyền ở Huế, hiện chúng tôi chưa nắm được nhiều thông tin, vì Phật Giáo ở Huế khoảng 95% theo Bắc Tông mà trong đó đa số là dòng thiền Lâm Tế. Trong Tập san nghiên cứu phật học, Phật giáo Thừa Thiên Huế số 5-Phật lịch 2546, có bài về chùa Trúc Lâm Đại Thánh của sư Thích Lưu Thanh, cho biết là trong chùa có tôn ảnh của ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán, đặt cạnh tường gian bên phải của chính điện, ngoài ra chùa còn giữ một pháp bảo vô cùng trân quý là cái bình bát bằng kim sa của tổ Thạch Liêm Thích Đại Sán.
Tuy nhiên theo nghiên cứu của ông Nguyễn Hữu Vinh[9] thì thiền sư Thích Đại Sán chỉ ghé qua Thuận Hóa thời gian ngắn chưa đến một năm, việc đời sau tôn là tổ khai sơn chùa Thiên Mụ chắc có sự nhầm lẫn, vì chùa do chúa Nguyễn Hoàng dựng cả trăm năm trước khi thiền sư Thích Đại Sán sang Việt Nam. Ông Vinh còn đi xa hơn, cho rằng “thật ra, sư chỉ ghé đến tại chùa Thiên Mụ trong một khoảng thời gian rất ngắn, để dưỡng bệnh trong lúc chờ đợi mùa gió thuận lợi để trở về Quảng Đông. Sư chưa bao giờ trụ trì chùa Thiên Mụ cả”, các sư hiện tu ở chùa cũng xác nhận dòng Tào Động ở chùa Thiên Mụ chỉ có sư Thích Đại Sán. Tuy nhiên theo suy luận của chúng tôi, một khi Quốc Chúa đã bái thiền sư Thích Đại Sán làm thầy, thì việc tôn thiền sư lên làm vị trụ trì ngôi quốc tự Thiên Mụ, dù chỉ hơn nửa năm, cũng không có gì bất hợp lý cả.
Ở cuối tấm bia có bài thơ của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, nội dung không chỉ nói lên tư tưởng sùng Phật, tôn Nho (Cư Nho mộ Thích, Nho Thích đồng ban), mà còn phản ánh lòng tự hào và tình cảm với quê hương đất nước nên chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn:
|
Bản dịch của sư Giới Hương[10] :
Phương Nam nước Việt chừ vững núi đẹp non
Chùa viện hùng tráng chừ tuệ nhật soi cửa
Nội tâm thanh tịnh chừ nước từ bi thấm
Đất nước yên ổn chừ bốn phương êm ấm
Pháp hóa vô vi chừ Phật Nho thuận đạo
Viết lời cảm khái chừ nhân quả vuông tròn
Dựng bia lưu niệm chừ, chánh còn tà tiêu.
Nhân tiện cũng xin nói qua về quả Đại hồng chung rất đẹp, đặt ở nhà tứ giác đối diện bia này, chuông cũng do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc, nặng “tam thập nhị bách bát thập ngũ cân” (3285 cân, nếu tính cân ta khoảng 0.605kg thì là 1987kg, tức gần 2 tấn). Trên chuông ghi “Vĩnh Thịnh lục niên tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt”, tức tháng 4 năm 1710, trước khi dựng bia đến 5 năm rưỡi. Đúc chuông là một công việc lớn, như vậy có lẽ việc trùng kiến chùa Thiên Mụ có thể đã được làm dần dần qua nhiều năm, chứ không phải dồn vào một năm 1715, điều này có vẻ cũng phù hợp với đánh giá về Quốc Chúa ở phần trên: “bớt chi phí, nhẹ thuế má phu dịch”. Trong Đại điện của chùa còn có bức hoành phi lớn với thủ bút của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, đề 4 chữ “靈 鷲 高 峰- Linh Thứu cao phong”, “甲午年孟夏穀日, 國主天縱道人題 – Giáp Ngọ niên mạnh hạ cốc nhật, Quốc Chủ Thiên Túng Đạo Nhân đề” (tháng 5-1714), từ đó có thể ước đoán là Đại điện hoàn thành trước khi dựng bia (tháng 10-1715) gần một năm rưỡi.Ảnh bản rập tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu:
– Ảnh chụp nhà lục giác để bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”, nhìn từ cổng:
– Ảnh chụp chính diện tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”:
– Ảnh chụp bức hoành phi thủ bút của Nguyễn Phúc Chu, Giáp Ngọ niên (1714), đặt ở Đại điện:
[1] Chùa Thiên Mụ
[2] Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế
[3] Chú ý chữ Chu trên bia viết bộ xước 週 , phải chăng đây là dạng viết tránh chữ húy tên Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, là chữ Chu có bộ thủy: 淍 ?
[4] Lâm tế tông một trong Ngũ gia của Thiền tông Trung hoa, do Lâm Tế Nghĩa Huyền( ?-886 ) lập nên.
[5] Mặc chiếu thiền: là thiền phong được dẫn xướng bởi Thiền sư Hoằng trí Chánh giác thuộc thiền phái Tào Động đời Tống. Mặc là chỉ cho sự trầm mặc chuyên tâm tọa thiền; Chiếu tức dùng tuệ soi chiếu linh trí tâm tính là bản nguyên thanh tịnh.
[6] Chỉ quản đả tọa là chỉ chuyên tâm tọa thiền không để tâm đến việc khác.
[7] Khán thoại thiền là tông phong của Đại tuệ tông cảo thuộc Lâm Tế tông. Khán chỉ cho cái nhìn; Thoại, chỉ cho Công Án, tức chuyên chú vào một phép tắc Thoại đầu của người xưa, sau thời gian lâu dài chân thực tham cứu, cuối cùng có được sự khai ngộ. (Phật Quang đại từ điển: 看話禪 : 為臨濟宗大慧宗杲之宗風.看, 見之意 ; 話 , 公案之意.即專就一則古人之話頭.歷久真實參究終於獲得開悟)
[8] Công án vốn có nghĩa là những điều lệ để phân định đúng sai ở trong quan phủ. Thiền tông ghi chép lại hành động, lời nói của các vị cao tăng nhiều đời để chỉ bảo cho những người tọa thiền, sau đó cũng trở thành một loại đối tượng để quán suy trong thiền.
[10] “Văn bia chùa Huế”, Thích Giới Hương 1994. Sách lưu hành nội bộ.