Bàn về phiên âm Hán Việt: GIA-CÁT Lượng hay CHƯ-CÁT Lượng
Tên nhân vật lỗi lạc thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng, viết chữ Hán là 諸葛亮, bính âm là Zhūgé Liàng, nếu theo đúng các từ thư Trung Quốc thì phải đọc là Chư-Cát Lượng, nhưng người Việt chúng ta chỉ quen đọc là Gia-Cát Lượng.
Tại sao vậy ? Chắc không phải do các nhà nho Việt đọc lầm chữ “chư 諸”, vì chữ này ở trong các từ khác như “chư hầu”, “chư nho”, “bách gia chư tử” thì người Việt vẫn đọc đúng âm chư, chỉ riêng trong tên họ kép 諸葛 thì lại thống nhất đọc là Gia-Cát … Phải có lý do rất mạnh nào đó mới khiến người Việt bất chấp tầng tầng lớp lớp sách vở, từ thư, vận thư Trung Quốc mà cứ đọc là “Gia-Cát” ?
Để tìm hiểu vấn đề này cần đi xa hơn thời đại của các vận thư Trung Quốc như các sách Đường Vận, Tập Vận, Quảng Vận, Chính Vận … vì hầu hết các sách đó mới được soạn từ cuối đời Đường về sau, ứng với giai đoạn mà các nhà ngôn ngữ học gọi là Trung cổ Hán ngữ. Trong khi đó Gia Cát Lượng lại là nhân vật đời Hán, mà khoảng từ đời Hán về trước được các nhà ngôn ngữ xếp vào giai đoạn Thượng cổ Hán ngữ.
Phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ chư 諸 theo các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng sau:
Karlgren: ȶi ̯ɔ
Lí Phương Quế: tjiag
Vương Lực: tɕya
Baxter: tjᴀ
Trịnh Trương Thượng Phương: tjaa
Phan Ngộ Vân: klja
(Dữ liệu tham khảo từ trang http://www.eastling.org/)
Phân tích dữ liệu ở trên thấy;
Có 5/6 nhà ngôn ngữ phục nguyên phần nguyên âm có âm cuối là -A
Có 4/6 nhà ngôn ngữ phục nguyên có âm giữa -J- ứng với GI của tiếng Việt
Như vậy cách đọc GIA mới gần với âm thời Hán hơn là CHƯ, việc người Việt đọc GIA đơn giản là theo người xưa truyền lại, cả ông cha mình, cả thầy dạy mình đều đọc như thế … chứ không phải ngu dốt nhầm lẫn, cũng chả phải “bài Hoa chống Tàu” gì cả.
Có thể kể thêm các trường hợp nhân danh, địa danh khác người Việt quen đọc theo âm cổ như tên thành Phiên Ngung 蕃隅 (nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đông) quen đọc là Phiên Ngung mà không phải Phiên Ngu, tên nhân vật Bồ Kiên 苻堅 trong Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu các sách của ta quen phiên âm là Bồ Kiên mà không phiên là Phù Kiên (lưu ý phụ âm Ph- Hán ngữ thời thượng cổ vốn là B-) .v.v.
Khảo sát thêm một trường hợp nữa: Long nhương tướng quân là chức tước có từ thời Hán, có sách nói là của Quan Hưng, nhưng người viết tra Tam quốc chí diễn nghĩa bản dịch của hai cụ Phan Kế Bính và Bùi Kỷ chỉ thấy nhắc đến Long nhương tướng quân Vương Tuấn, đại tướng của nhà Ngụy-Tấn đã đánh dẹp được Đông Ngô[1]. Thực ra hai chữ Long Nhương thì người viết nhớ được cũng nhờ đọc bộ Tam Quốc chí diễn nghĩa nhưng ở đoạn khác, nguyên do hồi nhỏ nhân lúc phải nằm bệnh viện người viết có đọc ké hai bộ sách Tam Quốc chí diễn nghĩa và Đông Chu liệt quốc của một bác nằm giường bên, đến giờ vẫn còn nhớ một đoạn phiên âm bài thơ Gia Cát Lượng làm để chọc tức Tào Chân, các bản dịch Tam quốc chí diễn nghĩa tái bản sau năm 1975 hình như không in phần phiên âm của bài thơ đó nữa, nhưng người viết đảm bảo nhớ đúng chữ “nhương”:
Trọng Đạt văn phong nhi thích thích,
Tử Đan [2] vọng trận nhi hoàng hoàng
Ngô quân binh cường nhi mã tráng,
Đại tướng hổ phấn dĩ long nhương.[3]
Dầu sao thì chỉ với từ “Long nhương tướng quân Vương Tuấn” gặp trong bản dịch của hai bậc cự nho Phan Kế Bính và Bùi Kỷ thì cũng đủ để không cần bàn chuyện phiên âm “nhương” đúng hay sai nữa mà chỉ nên tìm hiểu âm “nhương” ở đâu ra. Nhưng khi người viết tra chữ nhương/tương 驤(Bính âm “xiang”) trong từ”long nhương” thìthấy các từ thư Trung Quốc đều thiết âm là “tương”, ví dụ theo Khang Hy Tự điển :
《唐韻》《正韻》息良切《集韻》《韻會》思將切,竝音襄 ,[Đường vận, Chính vận] tức lương thiết [Tập vận, Vận hội] tứ tương thiết, tịnh âm tương.
Trong sách Trung Nguyên Âm Vận của Chu Đức Thanh (1324 đời Nguyên) thậm chí còn nhìn thấy rõ ràng nó xếp trong nhóm 6 từ đồng âm tương 湘廂相箱襄驤 như hình sau:
Chỉ đến khi tra đến âm thượng cổ Hán ngữ mới thấy vết tích của âm đọc “nhương”, dưới đây là phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ theo 6 nhà ngôn ngữ học :
Karlgren: si ̯aŋ
Lí Phương Quế: sjaŋ
Vương Lực: siaŋ
Baxter: snjaŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: snaŋ
Phan Ngộ Vân: snaŋ
Trong đó phục nguyên của Baxter là snjaŋ là có vẻ gần với “nhương” nhất.
Ngoài ra âm nhương còn lưu tích ở các từ chữ Hán 攘, 禳, 瀼, 蘘, 穰,瓤,勷,忀 Bính âm là “rang2″ ứng với cách đọc Hán Việt “nhương”, nhưng tất cả các chữ này đều có bộ phận biểu âm là chữ tương 襄, phải có lý do gì người Hán thời xưa mới cấu tạo chữ như thế chứ ?
Trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) của J.Barrow viết bằng tiếng Anh, khi nhắc đến chức tước của Nguyễn Huệ do vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) phong là “Long Nhương Tướng Quân” thì Barrow ghi âm theo dạng chữ La tinh là “Long-niang” và người dịch thì dịch và chú là Long Nhương. Đây là vết tích cổ xưa nhất và có căn cứ ngữ âm vững nhất của cách đọc “nhương”, vì chữ La tinh vốn là kiểu chữ viết ghi âm khá chuẩn xác, lưu ý thêm nơi Barrow đến là Đà Nẵng phần nào chứng tỏ cách đọc “nhương” của người Việt là thống nhất từ Bắc vào Nam, và cả trong tầng lớp quan lại nhà nước chứ không phải là cách đọc riêng của vài thầy đồ nhà quê do thiếu tài liệu sách vở.
Hình cắt từ trang có chữ Long-niang trong cuốn sách của Barrow:
Bản dịch của Nguyễn Thừa Hỷ, Nhà xuất bản Thế Giới , 2003:
Vài ý kiến sơ kết:
Nhiều nhà ngôn ngữ học như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đều cho rằng hệ thống âm Hán Việt của người Việt có nguồn gốc từ ngữ âm tiếng Hán giai đoạn cuối đời Đường và giữ khá ổn định hơn nghìn năm nay, nhưng từ các ví dụ trên người viết ngờ là hệ thống âm Hán Việt có thể định hình sớm hơn nữa, có thể là giữa đời Đường (thời thịnh trị của nhà Đường) ? Và phần nhiều những cách đọc của người Việt bị chê bai là “phi chuẩn”, “phản từ thư” khi tìm hiểu kỹ hóa ra lại có căn cứ ở ngữ âm tiếng Hán thượng cổ.
[1] Về sự kiện Vương Tuấn đánh chiếm kinh đô Kim Lăng của Đông Ngô, có bài Đường thi “Tây Tái sơn hoài cổ” của Lưu Vũ Tích:
Vương Tuấn lâu thuyền há Ích châu
Kim Lăng vương khí ảm nhiên thâu.
Thiên tầm thiết tỏa trầm giang để
Nhất phiến hàng phan xuất Thạch Đầu .
Nhân thế kỷ hồi thương vãn sự
Sơn hình y cựu chẩm hàn lưu .
Tòng kim tứ hải vi gia nhật
Cố lũy tiêu tiêu lô dịch thu.
[3] Tra lại đoạn thơ của Gia Cát Khổng Minh trên mạng thì thấy có đảo hai chữ phong 風 và trận 陣, nhưng chữ nhương/tương 驤 đang thảo luận thì không hề xê dịch:
仲達聞陣而惕惕,子丹望風而遑遑!
吾軍兵強而馬壯,大將虎奮以龍驤
“Trọng Đạt văn trận nhi thích thích (hay dịch dịch), Tử Đan vọng phong nhi hoàng hoàng! Ngô quân binh cường nhi mã tráng, Đại tướng hổ phấn dĩ long nhương.”