VỀ ĐỊA DANH LANG GIA VÀ CHUYỆN VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN THIÊN ĐÔ TỚI LANG GIA
Trong khi tìm hiểu vấn đề chữ Lang 郎 có nghĩa là “làng”, người viết nhiều lần bắt gặp một địa danh khác là Lang Gia 琅邪, cũng đọc Lang Da, ngày nay thường viết là 琅琊, là một địa danh cổ ở phía Nam tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, ở vùng ven biển gần thành phố Thanh Đảo:
https://baike.baidu.com/item/%E7%90%85%E9%82%AA
Điều đáng lưu ý là địa danh này gắn với chuyện vua nước Việt là Câu Tiễn [1] đã (hay có dự định) thiên đô tới đây. Theo sách Việt Tuyệt thư :《越绝书》:“勾践大霸称王,徙琅琊都也。” [Việt Tuyệt thư ] : Câu Tiễn đại bá xưng vương, tỉ Lang Gia đô dã (Câu Tiễn làm bá chủ, xưng vương, dời đô tới Lang Gia)
Điều đáng bình luận là tại sao Câu Tiễn quyết định bỏ vùng đất bản bộ thân thiết là đất Cối Kê [2] nơi từng “nằm gai nếm mật” để vượt sông Trường Giang đến một nơi xa lạ, khá xa về phía bắc của Cối Kê để định đô ? Phải chăng chỉ để thuận tiện cho việc tranh bá đồ vương hay còn lý do nào khác? Lý do khác đó là gì ? Nếu để ý rằng vùng Sơn Đông vốn là đất Đông Di, không phải đất Hán tộc gốc, thì cần nghĩ đến khả năng đó là đất cũ của người Việt chứ chẳng phải nơi xa lạ gì cả, đơn giản là Câu Tiễn chỉ thiên đô về đất cũ mà thôi ! Địa danh Lang Gia này cũng gần với Thành Lang ở nước Lỗ mà người viết đề cập ở bài trước, nhưng chếch về phía bờ biển.
Vết tích phi Hán tộc của tên Lang Gia 琅邪 nằm trong chính chữ viết tên của nó, vì chữ Gia 邪 còn có âm là “Tà” mang nghĩa rất xấu (gian tà, tà ma), khiến người Hán sau này phải đổi ra 琅琊 (giữ âm Lang Gia, nhưng thêm bộ ngọc vào chữ Tà cho đẹp nghĩa). Khả năng đây là chữ ghi âm tiếng nói của một tộc khác, giống như trên thanh kiếm cổ Câu Tiễn lại ghi tên là Cưu Thiển (鳩淺), thiển là nông cạn, hạn hẹp, nghĩa không hay ho gì.
Bây giờ giả định đó là tên được đặt ra bởi nhóm người Bách Việt nói ngôn ngữ Nam Á (mà đại biểu lớn nhất hiện nay là nhóm Việt-Mường) thì việc tìm hiểu ý nghĩa của nó dựa theo tiếng Việt (Kinh) sẽ chẳng có gì là điên rồ hay phản khoa học:
Chữ Lang 琅 theo trang www.vividict.com vốn đồng với các chữ lang 郎, 瑯, 廊 và cả chữ lương 良 nữa, đều chỉ cái hành lang bên cung điện. Mà “Lang 郎” tức là “làng” như người viết đã tìm hiểu và phân tích. Còn chữ Gia 邪 nghĩa là gì ? Trong khi tìm hiểu chữ này người viết để ý đến một chữ “gia 爺” khác vốn nghĩa là “cha, bố”, dạng cổ văn của nó dùng chính chữ “tà 邪” làm bộ phận biểu âm chứ không phải chữ da 耶 như chữ viết hiện đại, như hình sau:
Vậy phải chăng Lang Gia 琅邪 là “Làng Cha” tức làng gốc, làng chủ của một quần thể dân cư Việt nào đó ? Mô thức kết cấu tên này khá giống với tên Cổ Loa hay Khả Lũ, kinh đô cổ của nước Âu Lạc mà Giáo sư Trần Trí Dõi giải là “Kẻ Chủ”, kẻ cũng là từ chỉ địa danh như làng.
Khả năng chữ Gia 爺 nghĩa là cha vốn không phải là từ gốc của Hán tộc, vì Kinh Thi không có, sách Thuyết Văn cũng không ghi nhận. Chữ này có lẽ chỉ mới xuất hiện trong Hán ngữ sau đời Tần, khi Hán tộc đã chiếm được vùng Nam Trường Giang của nhóm Bách Việt. Có khả năng từ “cha” của người Việt hiện nay và từ “gia 爺” của nhóm Bách Việt vùng Trường Giang vốn ngày xưa cùng một gốc, vì quan hệ giữa phụ âm gi- và ch- là khá gần chẳng hạn chữ Nôm dùng chữ triều “朝” ghi âm “chào”, “chầu”, đồng thời cũng là biểu âm của chữ “giàu”, chữ hán chủng 種 lại có nghĩa Nôm là giồng, trồng v.v.
Tên chim chá cô 鷓鴣 (chim ngói, gà gô, còn có sách giải là chim đa đa), nhiều từ điển ghi cả hai âm đọc chá cô và giá cô, cũng cho thấy cách đọc “gia 爺” thành “cha” ở người Việt là bình thường.
GHI CHÚ:
[1] Câu Tiễn, 勾踐 vua nước Việt cổ ở khu vực cửa sông Trường Giang, trị vì 496 TCN – 465 TCN.
[2] Cối Kê gần thành phố Thiệu Hưng hiện nay, ở phía nam sông Trường Giang, cũng gần thành phố Hàng Châu đối diện phía bắc Trường Giang.
(Bài đã đăng Văn Hóa Nghệ An, nhưng trang đó bị lỗi mất đoạn cuối :
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/ve-dia-danh-lang-gia-va-chuyen-viet-vuong-cau-tien-thien-do-toi-lang-gia )
Tiếp tục tìm hiểu nghĩa gốc của chữ Hán lang 郞
Xin xem bài gốc ở Văn Hóa Nghệ An:
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tiep-tuc-tim-hieu-nghia-goc-cua-chu-han-lang-von-la-lang
Sau khi đăng bài trên người viết đã nhận được nhiều ý kiến phê bình và góp ý trên Facebook của mình. Trong đó có ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đại Cồ Việt cho rằng “Lang” có lẽ chỉ là địa danh thôi chứ đâu có sách nào nói rõ nó có nghĩa là làng, ấp ? Vì vậy người viết phải tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu xác minh:
Phân tích ý nghĩa câu trong Tả Truyện mà các từ thư như Thuyết Văn Giải Tự, Khang Hy Tự Điển khi chú giải chữ lang 郞 hay nhắc tới:
《左傳·隱元年》費伯帥師城郞. “[Tả truyện. Ẩn nguyên niên] Phí bá suất sư Thành Lang”. (Năm Lỗ Ẩn Công thứ nhất. Bá tước đất Phí cầm quân Thành Lang). Cổ văn súc tích không có giới từ nên người đọc phải tự suy đoán “đến Thành Lang” hay “từ Thành Lang” hay “ở Thành Lang”…
Sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận giải thích lang là “Lỗ đình” (Đình nước Lỗ), trong phần chú giải sách Thuyết văn của người đời sau còn chú thêm : 鄭曰。郎、魯近邑也。杜云。郎、魯邑. Trịnh viết: lang, lỗ cận ấp dã. Đỗ vân: lang, lỗ ấp ( Trịnh Huyền chú là ấp gần trung tâm nước Lỗ, Đỗ Dự cũng chú là ấp nước Lỗ) [1].
Khang Hy Tự Điển thì chỉ dẫn lại y nguyên sách Thuyết Văn.
Như vậy các từ thư cổ không có sách nào nói rõ ra “lang” có nghĩa là làng hay ấp cả, đúng như ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đại Cồ Việt, nhưng cũng không có từ thư nào nói rõ nó là địa danh cả, ví dụ Khang Hy Tự Điển vốn là sách chú giải rất cẩn thận các tính danh, địa danh, sơn danh, thủy danh … nhưng lại không thấy chú rõ “Thành Lang” là địa danh, trong khi ngay đoạn sau khi nhắc đến tên nước “Dạ Lang” thì lại chú rõ là địa danh ở quận Tang Ca.
Ý kiến nói “Lang” là địa danh là cách giải thích của người hiện đại ở trang mạng nào đó của Trung Quốc (người viết quên ghi lại địa chỉ).
Do nghĩa gốc của Lang là “làng”, “ấp” không còn trong Hán ngữ hiện đại nên người viết quyết định “gúc” địa danh “Thành ấp 城邑” thay vì “Thành Lang 城郎”, và tìm thấy trên BaiDu giải thích sau:
https://baike.baidu.com/item/%E6%AD%A6%E5%9F%8E%E9%82%91
武城邑为春秋时期鲁国城邑,治所在今山东平邑县魏庄乡武城村。
Võ Thành ấp vi Xuân Thu thì kì Lỗ Quốc Thành ấp, trị sở tại kim Sơn Đông Bình Ấp huyện Ngụy Trang hương Võ Thành thôn…. 公元前554年(鲁襄公十九年)筑城 công nguyên tiền 554 niên (Lỗ Tương Công thập cửu niên ) trúc thành. (Ấp Võ Thành tức là ấp Thành ở nước Lỗ thời Xuân Thu, trị sở nay là thôn Võ Thành, xã Ngụy Trang, huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông. Năm Lỗ Tương Công thứ 19 (554 TCN) xây thành.) [2]
Đối chiếu thì “Thành Lang” có lẽ chính là “Thành ấp”.
Trong trang trên có một thông tin đặc biệt thú vị xin lưu ý với người đọc, đó là câu trích sách Mạnh tử: 《孟子》:“曾子居武城,有越寇。” “Tăng Tử cư Vũ Thành, hữu Việt khấu” (Tăng Tử ngụ ở Vũ Thành, có bọn giặc Việt)[3].
Như vậy vùng đất Vũ Thành này gần với đất của người Việt, người viết đề nghị xem xét tới khả năng “Thành Lang” vốn là “làng Thành” của người Việt, sau Hán tộc đến xâm lấn và cai trị, dân cư gốc còn sót lại ở vùng đó bị gọi là bọn “giặc Việt”. Chú ý “Việt” đây là người viết muốn nói Bách Việt nói chung chứ không phải chỉ riêng nước Việt của Câu Tiễn, tức là chỉ nhóm dân cư cổ ở vùng Trường Giang nói ngôn ngữ Nam Á hay Thái Kadai.
Nếu đúng Thành Lang là Thành Ấp thì chữ “lang” khớp với nghĩa “ấp”. Ngoài ra theo sách Tả Truyện thì đời Lỗ Ẩn Công (trị vì 722 TCN-712 TCN) thì tên “Thành Lang” vẫn còn, nhưng sau vài thế kỷ đến sách Mạnh Tử (372–289) thì đã trở thành tên thuần Hán là “Võ Thành”.
Dầu sao thì thì gần 3 nghìn năm nay cái tên “Thành” (của “làng Thành”, có thể của người Việt cổ ?), vẫn còn đó, chỉ bị người Hán gia thêm chữ “Vũ” để thành tên đậm chất Hán “Vũ Thành”.
Cuối cùng, người viết xin bàn rộng ra vì sao các chữ đình (chỉ cái đình) và chữ lang (vốn gốc chỉ cái hành lang) lại dẫn đến nghĩa “làng”?
Tự điển Thiều Chửu chú chữ đình 亭 như sau:
Đình
(1): Cái đình. Bên đường làm nhà cho khách qua lại trọ gọi là quá nhai đình 過街亭 . Trong vườn công, xây nhà cho người đến chơi nghỉ ngơi, ngắm nghía gọi là lương đình 涼亭 .
(2): phép nhà Hán chia đất cứ 10 dặm là 1 đình, 10 đình là 1 làng, nên người coi việc làng gọi là đình trưởng 亭長 tức như lý trưởng bây giờ.
(3): dong dỏng. Như đình đình ngọc lập 亭亭玉立 -dong dỏng cao như ngọc đẹp, tả cái dáng người đẹp.
(4): đến, như đến trưa gọi là đình ngọ 亭午
Còn sách Thuyết văn chú chữ đình 亭 là 民所安定也。亭有樓,从高省,丁聲。 Dân sở an định dã, đình hữu lâu. Tòng cao tỉnh, đinh thanh (Là chỗ dân an cư, có cái lầu. Phần chỉ nghĩa là chữ cao viết tỉnh lược, phần chỉ âm là chữ đinh)
Như vậy sách Thuyết văn coi trọng nghĩa phái sinh (nơi tụ họp dân cư) hơn là nghĩa gốc (cái nhà bên đường để nghỉ chân). Từ nghĩa phái sinh này mà có nghĩa “đình là làng”, có thể do nơi dựng đình thường là chỗ giao thông thuận lợi và mát mẻ gần nguồn nước (cây đa-bến nước-sân đình), mà đó cũng là tiêu chí để dân cư tụ họp dựng làng lập xóm nên thành ra cuối cùng thì “đình” sẽ thành “làng”.
Từ lập luận đó sẽ thấy là “lang 廊” (cái hành lang, theo Khang Hy tự điển thì thông với chữ lang 郎 chúng ta đang bàn) cũng có thể dẫn đến nghĩa làng, mà chữ Nôm thường viết là 廊.
Thật vậy, chỉ cần quan sát hình ảnh cầu ngói Thanh Toàn ở Huế hay Cầu chùa (Lai Viễn Kiều) ở Hội An là đủ hiểu: Trên cầu có mái che cho khách bộ hành nghỉ chân, chức năng cũng như cái đình, nhưng do kết cấu thông cả hai đầu nên thực chất nó là một cái “lang 廊 ” (hành lang).
Hình ảnh cầu ngói Thanh Toàn (Huế):
So sánh với hình ảnh cái đình tiêu biểu (làng Đình Bảng) :
Cây đa, giếng nước, sân đình là hình ảnh quen thuộc đã đi vào thi ca dân gian:
“Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen… “
—
GHI CHÚ:
[1] Trịnh Huyền (127-200) là học giả đời Hán. Đỗ Dự (222-285) là học giả đồng thời cũng là danh tướng nhà Tấn, đã tham gia diệt nước Ngô, kết thúc thời kỳ Tam Quốc.
[2] Sử dụng bản đồ Google có thể dễ dàng tìm thấy Ngụy Trang hương 魏庄乡 ở phía đông nam thành phố Khúc Phụ, kinh đô cũ của nước Lỗ, cách khoảng 60-70 km đường chim bay tức là khá gần kinh đô nước Lỗ, khớp với câu chú “Ấp gần Lỗ” của Trịnh Huyền.
[3] Võ Thành Ấp chính là quê hương của Tăng Tử, học trò xuất sắc của Khổng Tử.